Đơn hàng dồi dào, xuất khẩu tăng mạnh
Tiếp nối những tháng cuối năm 2021 tăng tốc, tình hình sản xuất kinh doanh trong 2 tháng đầu năm nay của các doanh nghiệp dệt may được cho là khả quan.
Báo cáo của Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại TNG cho thấy doanh thu tháng 2 vừa qua của công ty tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm trước, đạt 332 tỉ đồng. Lũy kế 2 tháng, doanh thu đạt xấp xỉ 847 tỉ đồng, tăng 45%.
Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh tăng vọt 73% trong tháng 2 và tăng 96% trong 2 tháng đầu năm khiến kết quả, lợi nhuận sau thuế của TNG đạt 3,4 tỉ đồng trong tháng 2 và 25 tỉ đồng trong 2 tháng đầu năm 2022, tương ứng mức tăng lần lượt là 13% và 67% so với cùng kỳ năm 2021.
Công ty cổ phần Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 2 với doanh thu đạt hơn 11,3 triệu đô la Mỹ, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế cuả TCM chỉ bằng 89% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 571.762 đô la. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2022, doanh thu của TCM đạt hơn 28,6 triệu đô la, tăng 14%. Tuy nhiên, chi phí sản xuất đầu vào tăng cao dẫn đến biên lợi nhuận giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, lợi nhuận sau thuế ở mức 1,69 triệu đô la, giảm 2% so với 2 tháng đầu năm 2021. Hiện công ty đã nhận đơn hàng đến quí 3-2022.
Tổng công ty May 10 cũng cho biết tình hình thị trường tốt hơn các năm 2020, 2021. Hiện toàn bộ mặt hàng truyền thống của doanh nghiệp này đã kín đơn hàng đến hết tháng 6-2022.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu đan TPHCM (AGTEK), cho biết tình hình đơn hàng thực hiện của các thành viên của hội đạt đến giữa năm nay, một số doanh nghiệp thậm chí có đơn hàng thực hiện đến hết tháng 9.
“Tôi cho rằng, đây cũng là một tín hiệu phấn khởi với các doanh nghiệp dệt may trong năm nay”, ông Hồng cho hay.
Chia sẻ về kết quả xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2022, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết toàn ngành dệt may đã xuất khẩu được gần 8,2 tỉ đô la, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2021.
Dự kiến trong quí 1-2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may sẽ đạt 12,7-12,8 tỉ đô la, ông Giang nói.
Nhiều tồn tại phía trước
Tận dụng những ưu đãi về thuế quan từ Hiệp định EVFTA và UKVFTA mang lại, trong năm nay, các doanh nghiệp may mặc cũng sẽ tăng tốc đẩy mạnh tiếp cận thị trường châu Âu.
Theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), năm 2021, ngành dệt may đã về đích với 39 tỉ đô la kim ngạch xuất khẩu, tăng 11,2% so với năm trước đó. Nhưng xét về thị phần, dệt may Việt Nam không có sự cải thiện nhiều.
Trong số các thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam năm 2021, ngoài Mỹ, có sự phục hồi bằng năm 2019 với khoảng 100 tỉ đô la kim ngạch nhập khẩu hàng may mặc; các thị trường lớn còn lại khả năng phục hồi thấp, thậm chí thấp hơn năm 2020. Điều này tiếp tục là thách thức cho ngành năm 2022.
Đồng thời, doanh nghiệp dệt may trong nước sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức từ nội tại như chi phí vận tải cao gấp 3 lần so với mức trung bình 5 năm trở lại đây; bất lợi về tỷ giá khiến dệt may Việt Nam giảm sức cạnh tranh trước các đối thủ; mất cân đối lao động, doanh nghiệp khu vực phía Nam vẫn thiếu lao động, trong khi khu vực này chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành.
Theo ông Giang, thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến giữa năm hoặc quí 3-2022 nhưng chưa thể dự đoán được thị trường sẽ thế nào sau đó vì phụ thuộc rất nhiều vào tình hình dịch.
Ngoài ra, theo nhận định của các chuyên gia, dù thị trường dệt may khởi sắc nhưng nhiều đối thủ của dệt may Việt Nam như Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ… cũng tăng tốc và có nhiều nỗ lực để bù đắp những thiếu hụt về kim ngạch trong năm 2021.
Điều này đòi hỏi dệt may Việt Nam cần nỗ lực để không bị các đối thủ này vượt mặt.