Mặc dù ngày 7/2 (mồng 7 Tết), Công ty cổ phần Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT) mới chính thức làm việc nhưng các công nhân đã khởi động từ trước đó vài ngày. Nhanh tay kiểm tra mặt hàng tôm trước khi đóng gói, chị Bùi Thị Thu (28 tuổi, quê Bình Định) có 5 năm làm việc tại Công ty APT tâm sự: “Năm qua có nhiều khó khăn nên cả gia đình không về quê. Do đó, khi công ty thông báo đi làm trở lại, vợ chồng tôi đã khẩn trương vào ca kíp với mong muốn đầu năm thuận lợi, cả năm hanh thông”. Ghi nhận những ngày làm việc đầu năm, hơn 80% công nhân Công ty APT đã trở lại.
Không chỉ được ban lãnh đạo công ty chúc mừng năm mới, các công nhân còn được lì xì 500.000 đồng/người, một thùng mì gói và chục trứng gà trao tận tay. “Chăm lo phúc lợi người lao động luôn được công ty đặt lên hàng đầu. Trong năm vừa qua, hầu như tháng nào Công đoàn công ty cũng có những phần quà “đột xuất” động viên công nhân vượt qua mùa dịch. Hiện, chúng tôi vẫn đang tuyển khoảng 200 lao động nhưng không quá áp lực về việc thiếu người. Đầu năm, công ty có nhiều đơn hàng phục vụ nội địa và xuất khẩu, tăng kim ngạch để công nhân thêm việc làm, ổn định cuộc sống. Đây là tín hiệu đáng mừng để APT tự tin vươn lên” - Chủ tịch Công đoàn Công ty APT Lê Thùy Trang chia sẻ.
Thông thường, phải đến rằm (15 tháng Giêng), Công ty cổ phần Sài Gòn Food mới hoạt động bình thường trở lại do có đủ lao động cần thiết, nhưng năm nay, ngay khi vừa kết thúc kỳ nghỉ Tết, hơn 50% công nhân đã sẵn sàng bắt tay vào việc. Với những công nhân ở xa, doanh nghiệp này sẽ tổ chức hai chuyến xe về tận nơi đón công nhân vào thành phố trong ngày 10 và 15/2. “Những lao động quay trở lại làm việc đúng lịch sẽ được thưởng 700.000 đồng/người. Công ty còn lập Ban Hỗ trợ an sinh công nhân viên để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của công nhân viên, đặc biệt là công nhân sản xuất. Sài Gòn Food đã hoàn thành việc tiêm vắc-xin Covid-19 mũi ba để bảo đảm an toàn cho người lao động. Với những công nhân từ các tỉnh muốn đến công ty làm việc mà chưa được tiêm ngừa, Sài Gòn Food cũng tạo điều kiện để công nhân được tiêm ngừa đầy đủ và chu đáo. Năm nay, chúng tôi dự kiến tuyển khoảng 300 lao động nhưng với đà công nhân quay trở lại như hiện nay, công ty không quá áp lực về tuyển dụng” - Giám đốc nhân sự Sài Gòn Food Trần Thị Kiều Oanh nói.
Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh Phạm Xuân Hồng cho biết: Dù nhiều doanh nghiệp ghi nhận tín hiệu tích cực từ thị trường lao động sau Tết nhưng nguồn lao động cho ngành may tại TP Hồ Chí Minh vẫn thiếu gần 10%. Hiện tại, còn một số công nhân về quê chưa có ý định trở lại, nhiều người vẫn còn tâm lý e ngại dịch bệnh… “Năm nay, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương nên chắc chắn sau Tết tình trạng thiếu lao động sẽ tiếp tục xảy ra. Để thu hút, giữ chân công nhân, các doanh nghiệp cần có chính sách lương, thưởng, đãi ngộ hợp lý” - ông Hồng nhận định.
Theo thông tin từ Khu Công nghệ cao (TP Thủ Đức), có 80-95% công nhân của 80 nhà máy của toàn khu quay lại làm việc sau Tết. Ngày 7/2, nhiều nhà máy có tỷ lệ lao động trở lại cao như: Công ty TNHH điện tử Samsung HCMC CE Complex (hơn 6.000 lao động) đạt hơn 95%, Nhà máy Nidec Sankyo (4.000 công nhân) đạt 94%. Các nhà máy Intel, Jabil... cũng ghi nhận hơn 90% lao động trở lại. Tương tự, bảy khu chế xuất, khu công nghiệp của thành phố có gần 1.500 doanh nghiệp hoạt động với 273.000 lao động, tỷ lệ lao động quay trở lại sản xuất là hơn 82%. Theo số liệu của Phòng quản lý lao động Ban Quản lý các khu chế xuất-công nghiệp TP Hồ Chí Minh (Hepza), một số khu công nghiệp có tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động hơn 90% là Đông Nam, Tây Bắc Củ Chi, Tân Phú Trung…
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh Hồ Xuân Lâm thông tin, khi đón công nhân trở lại, doanh nghiệp đã triển khai một số biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe như tiếp nhận khai báo y tế, đo thân nhiệt, yêu cầu mang khẩu trang... Một số nhà máy tổ chức quay số may mắn tặng xe máy, lì xì đầu năm góp phần tạo động lực để người lao động quay lại sản xuất đúng ngày. Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Lâm cho biết: Dự kiến, sau Tết thành phố cần lấp đầy khoảng 45.000-55.000 vị trí việc làm, tập trung ở các ngành như: dệt may-giày da; sản xuất, chế biến thực phẩm; cơ khí; hóa chất-dược-cao su; kiến trúc; xây dựng; bán buôn và bán lẻ; vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; thông tin và truyền thông; kinh doanh bất động sản; dịch vụ bảo vệ… “Sau Tết, Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố và Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên sẽ tổ chức sàn giao dịch việc làm để tạo điều kiện kết nối, giới thiệu người lao động đang ở các địa phương có nhu cầu trở lại thành phố và lực lượng lao động tại chỗ giới thiệu với các doanh nghiệp để có nguồn lao động ổn định” - ông Lâm cho biết.