Lễ hội kén rể (thôn Đường Yên, xã Xuân Nộn, Đông Anh) được tổ chức ngày 2/2 (âm lịch) với nhiều nghi thức và trò chơi dân gian độc đáo nhằm tưởng nhớ công ơn của nữ tướng Lê Hoa.
Làng cổ Đường Yên thuộc xã Xuân Nộn (huyện Đông Anh, Hà Nội) xưa kia có tên là Kim Hoa, tên Nôm là làng Kim Con. Hằng năm, cứ vào mùng 2 tháng 2 (âm lịch), người dân nơi đây lại tổ chức lễ hội “kén rể” với nhiều nghi thức và trò chơi dân gian độc đáo nhằm tưởng nhớ công ơn của nữ tướng Lê Hoa.
Tương truyền, khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa (năm 40 - 43 sau Công nguyên), làng Đường Yên có người con gái tên là Lê Hoa khi đó 17 - 18 tuổi vẫn chưa lấy chồng, đi theo Hai Bà đánh giặc Đông Hán và lập nhiều chiến công. Sau khi lên ngôi vua, Hai Bà Trưng điều Lê Hoa về làm tri phủ huyện Đông Ngàn, bản doanh đóng tại làng Đường Yên. Đất nước trở lại thanh bình, Lê Hoa mở hội kén người hiền tài làm chồng. Lễ hội “kén rể” làng Đường Yên ra đời từ đó.
Những người được chọn tham gia các vai chính trong lễ hội đều phải trải qua quá trình tuyển lựa với nhiều tiêu chí khắt khe. Người đóng Thánh bà (tức bà Lê Hoa) cùng hai “chàng rể” (gồm phe Bắc và phe Hậu) phải là các trai thanh gái lịch, chưa có gia đình riêng, học hành giỏi giang, xuất thân trong các gia đình nền nếp...
Người đóng vai mẹ của Thánh bà, tức Mẫu bà phải là người đẹp, song toàn, gia đình gương mẫu.
Ngày 2/2 âm lịch (tức 21/2 dương lịch), dân làng Đường Yên thức dậy từ sớm, náo nức ra đình dự hội. Khi màn vinh quy bái tổ mở đầu, một đoàn người rước kiệu bà Lê Hoa đi từ cổng làng vào sân đình, hai bên có các bô lão trong làng đón “Đức Thánh Bà” xuống kiệu “Đức Thánh Bà” chắp tay trước ngực.
Lễ hội kén rể Đường Yên được phục dựng lại từ năm 2001 sau 60 năm thất truyền. Lễ hội gồm phần lễ và phần hội mang đậm giá trị văn hóa, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần thượng võ của dân tộc.
Bắt đầu lễ hội, dân làng múa tích “Cởi vú mo”. Người ta truyền rằng khi theo Hai Bà Trưng đánh giặc, Thánh Bà phải dùng mo cau để làm áo giáp giả trai, nay không còn giặc dữ phải bỏ mo cau để trở thành con gái đi lấy chồng. Sau đó, diễn giải 6 thiên thần nhỏ tuổi và 6 “nàng tiên” ăn mặc đẹp, đeo mặt nạ vào sân. Khi có trống lệnh, các “nàng tiên” cởi mo ở ngực ra, và màn múa diễn ra trong ba lần. Đây được coi là màn múa đặc trưng nhất của lễ hội. Khi màn múa kết thúc, hai “chàng rể” trong trang phục truyền thống cùng giới thiệu về bản thân và thi tài ứng xử.
Kể từ ngày xa xưa ông cha ta đã luôn lấy việc nông phu làm trọng, cho nên khi mở hội này đã cho thi cày, thi cấy, kiếm cá vá chài, câu ếch bắt trạch là thú chơi dân gian, đồng thời đây cũng là dạy con cháu ngàn đời siêng năng lao động. Hội thi canh nông của lễ "kén rể" bao gồm các phần như thi cày, thi câu ếch, thi chọc chó, thi bắt trạch trong chum.
Hai chàng rể chuẩn bị thi lần lượt từng môn, Ban giám khảo sẽ chấm cho điểm bằng thẻ. Kết thúc mỗi cuộc thi, Ban giám khảo tuyên bố ai giành phần thắng sau đó cộng thêm điểm thẻ chọn người chiến thắng.
Các trò chơi dân gian này thu hút sự tham gia của đông đảo dân làng bởi sự vui nhộn và tính dân gian đặc sắc.
Sau khi tìm ra người chiến thắng, dân làng tổ chức múa hát mừng cho đôi trai tài gái sắc nên duyên.
Lễ hội Đường Yên là dịp để dân làng và du khách các nơi có dịp ôn lại truyền thống lịch sử, giúp cho các thế hệ nhất là thế hệ trẻ có một tình yêu quê hương đất nước trong sáng. Ý nghĩa cốt lõi của lễ hội này là thể hiện tinh thần hiếu học, tinh thần thượng võ của dân tộc và gửi gắm những ước vọng về cuộc sống ấm no, mùa màng tươi tốt của người dân làng Đường Yên.