Kéo dài vòng đời cho mỗi món đồ

Dự án AmReborn (Tôi tái sinh) mới ra mắt từ giữa tháng Ba nhưng đã nhanh chóng nhận được sự yêu thích, ủng hộ của rất nhiều người. Đây là một dự án được ấp ủ từ hơn một năm của Lily Hoàng, nhà sáng lập của Amlily, đơn vị chế tác phụ kiện dự tiệc handmade.

Từ khi còn nhỏ, chị đã yêu thích những món đồ handmade xinh xắn. Khi trưởng thành, làm việc trong lĩnh vực thiết kế và thời trang, chị có cơ hội để theo đuổi đam mê của mình.

Doc dao y tuong thiet ke phu kien thoi trang tu nhung vat lieu cu hinh anh 1Một góc trưng bày các sản phẩm được tái sinh. (Ảnh: Thu Minh/Vietnam+)

Bộ sản phẩm tái chế đầu tiên của Lily Hoàng là bộ túi, ví và phụ kiện thời trang làm từ vỏ chăn con công thời bao cấp. Chị tặng những món đồ cho mẹ mình và bà rất cảm động, khuyến khích con gái tiếp tục sáng tạo.

Chia sẻ về ý nghĩa của dự án AmReborn, Lily Hoàng cho biết việc tái chế có thể giúp mọi người lưu giữ món đồ kỷ niệm ở một hình thức khác. Đồng thời, tái chế còn là cách để mọi người tiết kiệm, giảm chi phí tiêu dùng khi tận dụng được đồ cũ. Ngoài ra, ý nghĩa quan trọng nhất của tái chế là giúp giảm thiểu rác thải ra môi trường, kéo dài vòng đời cho mỗi món đồ.

“Mình làm trước tiên là vì bản thân mình cũng là người quan tâm tới môi trường. Sau đó mình mong mọi người sẽ chung tay cùng bảo vệ môi trường nhiều hơn,” Lily Hoàng chia sẻ.

Hiện AmReborn đang triển khai hoạt động “cho đi đồ cũ-nhận lại đồ mới.” Mỗi người có thể đổi 5 món đồ cũ để nhận một món quà tái chế từ AmReborn. Thu gom đồ cũ cũng là hoạt động đầu tiên để AmReborn có nguồn sản phẩm để tiến hành tái chế.

Đặc biệt, số tiền thu được từ bán đồ tái chế sẽ dùng để xây dựng “Quỹ Am Thank”. Lily Hoàng dự định sẽ dùng quỹ này quyên góp cho những người có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật...

Được biết, dự án AmReborn của Lily Hoàng cũng đã tạo việc làm cho rất nhiều đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt: người tự kỷ, người mặc cảm thuộc cộng đồng LGBT, người nội trợ, sinh viên,... Họ cũng là người giúp cho ý tưởng về dự án AmReborn của Lily Hoàng rõ nét hơn và trở thành hiện thực.

“Các bạn ấy rất quan tâm tới các vấn đề của cộng đồng, có ý thức bảo vệ môi trường nên cũng tác động đến mình rất nhiều. Các bạn đã đi cùng mình từ rất lâu, khi có người cùng chung chí hướng, ủng hộ, mình tin dự án sẽ đi được lâu dài,” Lily Hoàng chia sẻ.

Doc dao y tuong thiet ke phu kien thoi trang tu nhung vat lieu cu hinh anh 2Chiếc túi xách được tái chế kỳ công từ vải cũ. (Ảnh: NVCC)

Bạn Trần Thị Mai (Thái Hà, Đống Đa), nghệ nhân tái chế tại Amlily cũng cho hay: “Mình là một người rất quan tâm tới môi trường. Từ việc đi chợ mình cũng đều mang túi vải, hộp đựng, không dùng nilon. Vì vậy khi chị Ly đưa ra ý tưởng dự án, mình rất ủng hộ. Thứ nhất là tiết kiệm, thứ hai là có thể biến những đồ mình ít dùng thành đồ hữu ích, mình dùng thường xuyên, lâu hơn và giảm lượng rác thải ra môi trường.”

Tôi tái sinh, còn bạn thì sao?

Nhiều người khi biết đến dự án này đã gửi đồ cũ tới AmReborn với mong muốn “tái sinh” chúng. Bằng một cách nào đó, những kỷ vật - đồ gia bảo chứa đầy kỷ niệm của thế hệ trước cho thế hệ sau được sống lại theo một cách hiện đại, tiện dụng, tiết kiệm nhưng vẫn lưu giữ được ý nghĩa quý giá xưa.

Đồ cũ như quần, áo, váy, chăn,... với mọi chất liệu được AmReborn thu nhận và tận dụng nhiều nhất có thể để tái chế. Lily Hoàng cho biết: Để tạo ra một món đồ mới từ những chất liệu cũ, AmReborn phải phân loại vải, thiết kế mẫu mã phù hợp với loại vải đó hoặc theo yêu cầu của người đặt. Muốn sản phẩm hợp thời trang, đẹp mắt hơn thì cần đính đá, vẽ hoặc thêu. Nhưng AmReborn cũng hạn chế tối đa dùng thêm đồ mới, tận dụng tất cả những gì có thể tái chế lại, không tạo thêm gánh nặng cho môi trường trong tương lai.

Với kinh nghiệm thiết kế đồ thời trang handmade nhiều năm, Lily Hoàng cùng đội ngũ nghệ nhân AmReborn đã tái chế nhiều sản phẩm độc đáo. Những món đồ tưởng chừng đã đến lúc phải bỏ đi lại được ghép nối, chắp vá tạo nên một tổng thể hài hòa, kéo dài vòng đời. Thành phẩm có thể là túi xách, ví cầm tay, hoa cài áo, vòng cổ, băng đô, giày, dép,... Tất cả các sản phẩm đều được làm thủ công.

Doc dao y tuong thiet ke phu kien thoi trang tu nhung vat lieu cu hinh anh 3Nghệ nhân đính đá cho sản phẩm tái chế thêm bắt mắt, hợp thời trang. (Ảnh: Thu Minh/Vietnam+)

Vì là đồ tái chế nên mỗi món đồ đều rất đặc biệt. Nó hàm chứa một câu chuyện, mang kỷ niệm từ quá khứ đến tương lai khiến ai cũng yêu thích.

Bạn Bùi Hảo (Thái Hà, Đống Đa) khi đến AmReborn quyên góp đồ cũ, chia sẻ: “Theo dõi AmReborn trên Facebook từ lâu, mình thấy đây là hoạt động rất hay. Những đồ vật, quà tặng quan trọng của mình như quần áo không còn dùng đến nữa nhưng mình muốn lưu giữ lâu dài thì có thể tái chế lại thành túi xách hay đồ dùng khác phù hợp cho mình. Hơn nữa, tái chế thành vật dụng lâu hơn với mình thì có thể hạn chế rác thải ra môi trường.”

Tái sử dụng không những tiết kiệm mà còn thể hiện thái độ trân trọng với đồ vật và môi trường. Dự án nhân văn của Lily Hoàng và các cộng sự khiến mọi người trăn trở với suy nghĩ phải làm gì với những món đồ cũ, quà tặng, kỷ vật quan trọng đôi khi bị bỏ quên trong một góc tủ./.