Đại hội XII của Đảng đã đánh giá tổng quát những kết quả quan trọng của công tác đối ngoại. Ảnh:dangcongsan.vn

Đối ngoại nhân dân đã xuất hiện rất sớm kể từ thuở hồng hoang khai sinh đất nước, xuất phát từ những nhu cầu giao lưu, giao thương đầu tiên giữa người Việt ta với các nước lân bang. Trải qua thăng trầm lịch sử “dựng nước, giữ nước”, những nhu cầu đó từ ngàn xưa của nhân dân ta đã không hề mai một mà còn mở rộng, phát triển sâu sắc hơn với bạn bè khắp 5 châu. Đối ngoại nhân dân là kênh sớm nhất hỗ trợ với cách mạng Việt Nam nhằm chiến đấu và chiến thắng bè lũ thực dân, đế quốc, thậm chí góp sức ngay từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt những bước chân đầu tiên ra đi tìm đường cứu nước. Những giao lưu, hỗ trợ từ nhân dân thế giới cũng đặt nền móng đầu tiên để Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp cận được ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lê nin, hình thành nên con đường cách mạng cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Nếu không có sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình và chính nghĩa trên toàn thế giới, sự nghiệp cách mạng Việt Nam sẽ gặp những khó khăn lớn hơn, hy sinh nhiều hơn để giành lại nền độc lập tự do cho nước nhà. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”.

Trong thế giới hiện đại, nơi toàn cầu hóa và hòa bình đang là xu thế chủ đạo, đối ngoại nhân dân tiếp tục phát huy hiệu quả, nhân lên sức mạnh mềm của quốc gia, nhất là nêu bật được tinh thần ngoại giao hòa hiếu, nhân nghĩa và thấm nhuần tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Với bề dày thành tích, công tác đối ngoại nhân dân vì thế ngày càng được Đảng, Nhà nước chú trọng trong chính sách đối ngoại, thể hiện qua Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 20/9/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá VII) về “Mở rộng và đổi mới hoạt động đối ngoại nhân dân”, Chỉ thị 04-CT/TW ngày 06/07/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới... cùng nhiều văn kiện có liên quan khác. Chỉ thị 04-CT/TW cũng nêu rõ công tác đối ngoại nhân dân lấy “nòng cốt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, các đoàn thể và các tổ chức nhân dân”; “Ban Đối ngoại Trung ương chủ trì việc chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra các hoạt động đối ngoại nhân dân…”. Đáng chú ý, trong văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII (trang 49, tập I) chỉ rõ: “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”, cho thấy sự quan tâm, đánh giá cao của lãnh đạo Đảng và nhà nước đối với công tác này trong thế trận đối ngoại của Việt Nam.

Trong báo cáo trình bày trước Đại hội đại biểu toàn quốc khóa XIII (26/1/2021), đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu về phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ Đại hội khóa XIII và những năm tiếp theo, trong đó nêu chủ trương, chính sách đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là “tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Kết hợp chặt chẽ hiệu quả công tác đối ngoại của Đảng với ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”. Điều này xuất phát từ đánh giá sâu sắc toàn diện về thực tiễn cũng như lý luận đối ngoại trong tình hình hiện nay, trong đó xuất phát từ một số nguyên nhân chính:

Thứ nhất, nội dung văn kiện Đại hội Đảng nhấn mạnh thế trận ngoại giao gồm 3 trụ cột với thành tố “đối ngoại nhân dân”, qua đó đã tiếp tục khẳng định rõ hơn vai trò, vị trí của kênh đối ngoại này cùng với các kênh khác là trụ cột chính để thực hiện chính sách đối ngoại Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó, đối ngoại nhân dân có quan hệ tương hỗ khăng khít, chặt chẽ với kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và góp phần thúc đẩy hiệu quả hai kênh này. Điều này cho thấy sự kế thừa, phát huy truyền thống lịch sử quý báu của dân tộc; tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao nhân dân. Ngoài ra, việc cụ thể hóa điều này trong Nghị quyết Đại hội Đảng khoá XIII là bước tiến mới trong lý luận về chính sách đối ngoại, thể hiện Đảng và nhà nước đặc biệt coi trọng “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”. Nhất là, sau 2 nhiệm kỳ Đại hội Đảng khoá XI, XII và 10 năm tiến hành Chỉ thị 04-CT/TW đã cho thấy hiệu quả trong thực hiện chính sách đối ngoại. Việc chú trọng đối ngoại nhân dân cũng sẽ góp phần vào giải quyết về lý luận và thực tiễn trong các mối quan hệ hiện nay, bao gồm “độc lập tự chủ và chủ động tích cực hội nhập quốc tế”; đồng thời góp phần tạo cơ sở hoạch định chính sách trong các giai đoạn tiếp theo.

Thứ hai, phát huy vai trò của đối ngoại nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, góp phần thực hiện các mục tiêu Đại hội Đảng khóa XIII đề ra. Trong đó, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội là một trọng tâm quan trọng: “Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Những mục tiêu đó đặt ra nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội lớn lao mà Đảng ta đã xác định một trong những công cụ hữu hiệu là đối ngoại nhân dân bên cạnh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước. Cụ thể, thực tiễn đã chứng minh vai trò, sự cần thiết của ngoại giao nhân dân trong các cuộc kháng chiến chống đế quốc thực dân xâm lược, thực hiện nghĩa vụ quốc tế, cuộc chiến vệ quốc… Trong bối cảnh ngày nay, Việt Nam đã thông qua đối ngoại nhân dân, để vận động bạn bè quốc tế, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới ủng hộ Việt Nam bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, lên án “chính trị cường quyền” và các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế. Về kinh tế, từ khi đất nước bước vào công cuộc “Đổi mới 1986” toàn diện, đồng bộ dưới sự khởi xướng, lãnh đạo của Đảng, đối ngoại nhân dân tiếp tục được xác định vai trò, nhiệm vụ trọng tâm là thu hút nhiều hơn nữa sự ủng hộ quốc tế cả về vật chất lẫn tinh thần đối với sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước. Đối ngoại nhân dân đã đóng góp nỗ lực giúp Việt Nam phá thế bao vây, bị áp đặt cấm vận từ Mỹ trong giai đoạn trước. Và những năm gần đây, đối ngoại nhân dân đã tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế đối với các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội (người tàn tật, nạn nhân chất độc màu da cam, nạn nhân chiến tranh…) nhằm cải thiện đời sống, đảm bảo các quyền con người… 

Thứ ba, phát huy đối ngoại nhân dân góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII, giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra trong tình hình hiện nay. Nhạy bén trong bối cảnh “toàn cầu hóa” đang gặp trở ngại trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa dân túy cùng với những phức tạp chính trị gia tăng giữa các nước lớn, Đảng ta đã sáng suốt nhận ra nguyên nhân mâu thuẫn chính yếu của thời cuộc xuất phát từ những bất đồng lợi ích sâu xa. Trong đó, đáng chú ý là mâu thuẫn quốc tế về nắm giữ tư liệu sản xuất (cụ thể là giữa các nước phát triển phương Tây như Mỹ, châu Âu… nắm vốn tư bản, công nghệ và các quốc gia đóng vai trò sản xuất, gia công như Trung Quốc) cùng nhiều mâu thuẫn lợi ích khó lòng giải quyết hòa bình trong một vài thập kỷ tới. Chính phủ, Đảng cầm quyền của các nước lớn hiện nay triển khai các chiến lược nhằm gia tăng lợi ích, cạnh tranh ảnh hưởng dẫn tới bầu không khí căng thẳng trên chính trường quốc tế. Đặc biệt, khu vực Đông Nam Á luôn chịu tác động từ cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Do đó, đối ngoại nhân dân sẽ tiếp tục là kênh ngoại giao phát huy vai trò, hiệu quả thời gian tới trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, căng thẳng và khó đoán định. Ngoài ra, đối ngoại nhân dân còn phát huy vai trò trong nỗ lực phòng chống đại dịch COVID-19 vốn đe dọa tới sức khỏe, tính mạng người dân cũng như thành quả phát triển kinh tế, xã hội.

Thứ tư, đối ngoại nhân dân trong thời gian tới sẽ tiếp tục giúp Việt Nam nâng cao vị thế, uy tín và ảnh hưởng trên trường quốc tế. Thông qua công tác đối ngoại nhân dân, Việt Nam đã lan tỏa tinh thần chính nghĩa, yêu chuộng hòa bình và tinh thần hữu nghị đóng góp xây dựng cho nhân loại. Đối ngoại nhân dân cũng góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia, giúp bạn bè quốc tế có cái nhìn khách, quan toàn diện hơn với những tiến bộ vượt bậc trên mọi lĩnh vực; tạo sợi dây liên kết khăng khít giữa kiều bào và trong nước, góp phần thực hiện hiệu quả công tác về người Việt ở nước ngoài. Đồng thời, đối ngoại nhân dân cũng góp phần vào việc kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn với các luận điệu tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch, xuyên tạc tình hình trong nước. Đáng chú ý trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lan tràn, với phương châm “giúp bạn cũng là giúp mình”, Việt Nam có thể vận dụng “kênh đối ngoại nhân dân” cùng nhân dân trên khắp thế giới và Liên hợp quốc (LHQ), các tổ chức liên chính phủ, phi chính phủ đấu tranh, tạo dư luận lên án, phản đối tình trạng bất công trong tiếp cận vaccine ngừa COVID-19, việc tích trữ vaccine gây khủng hoảng thiếu, dùng “ngoại giao vaccine” nhằm trục lợi chính trị khi các nước nhỏ đang lâm vào khó khăn… Qua đó thể hiện tiếng nói quốc gia trên trường quốc tế và góp phần giải quyết nhiệm vụ cấp bách chống COVID-19 trong nước hiện nay.

Sáng ngời tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng về đề cao phát huy hiệu quả đối ngoại nhân dân được cụ thể hóa tại Văn kiện Đại hội XIII, trong những năm tới, chúng ta tin tưởng rằng khi Nghị quyết Đại hội đi sâu vào thực tiễn, chắc chắn sẽ tạo ra nhiều nhiều vận hội lớn cho đất nước.

Đối ngoại nhân dân hỗ trợ công tác bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải, vùng trời, nhất là trên Biển Đông. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta luôn một lòng khẳng định chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm, không thể đánh đổi, song không phải lúc nào Việt Nam cũng gặp thuận lợi trong công tác đấu tranh bảo vệ điều thiêng liêng nhất đó. Trong nhiều hoàn cảnh khó khăn, đối ngoại nhân dân đã tạo “sức mạnh mềm”, linh hoạt và đóng góp hiệu quả cao đối với công tác bảo vệ biển đảo. Điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng “...bình tĩnh, tỉnh táo xử lý kịp thời, đúng đắn những vấn đề khó, chưa có tiền lệ, mới phát sinh”. Theo một số chuyên gia, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo cần chú trọng tới “tam công”, bao gồm công pháp, công khai, công luận. Đáng chú ý, vận động sự ủng hộ của dư luận quốc tế ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong thúc đẩy các bên giải quyết hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, chống chính trị cường quyền cũng như làm giảm nguy cơ va chạm, xung đột trên Biển Đông. Nhiều năm trở lại đây, đối ngoại nhân dân là kênh hiệu quả để đưa ra tiếng nói với bạn bè thế giới về “tính chính nghĩa” – thứ vũ khí rất mạnh của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Qua đó, ta đã vận động được sự ủng hộ của bạn đối với công cuộc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo của Việt Nam, phản đối áp đặt, các hành vi gây hấn và trái pháp luật quốc tế diễn ra ở vùng biển này bao gồm từ lĩnh vực quân sự, kinh tế, khoa học, ngoại giao, pháp lý, thực địa… Thời gian qua, giới học giả, những người yêu khoa học trong và ngoài nước đã cùng nghiên cứu, trao đổi và đề cao Phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế (PCA), đề cao tính thượng tôn pháp luật, vai trò trung tâm của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.  

Đối ngoại nhân dân đã, đang và sẽ góp phần tạo thế và lực cho nước ta đẩy mạnh phát triển kinh tế, phấn đấu sớm đạt được các mục tiêu Đại hội Đảng khóa XIII cũng như chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 đã đề ra. Tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định rằng “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Việt Nam hiện đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 nước, quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 30 nước. Những năm gần đây, Việt Nam liên tiếp trở thành thành viên năng động tích cực của các hiệp định thương mại tự do lớn trên thế giới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực - RCEP với thị trường rộng lớn, sức tiêu dùng ngày càng tăng. Đây là tiền đề để quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và thế giới sinh sôi, này nở, nhất là trên lĩnh vực giao thương, kinh tế, văn hóa, giáo dục, lao động. Thực tiễn 10 năm thực hiện Chỉ thị 04-CT/TW ngày 06/07/2011 đã chứng minh nước ta đã ngày càng tham gia hiệu quả, thực chất vào các cơ chế, tổ chức quốc tế, khu vực cũng như song phương, đã tạo ra mạng lưới quan hệ quốc tế đa tầng nấc, thúc đẩy lợi ích quốc gia-dân tộc toàn diện trên các lĩnh vực. Để tiếp tục góp phần tạo thế và lực cho đất nước, ngoại giao nhân dân cần chú trọng tuyên truyền đối ngoại để thế giới hiểu hơn về nước ta, không chỉ là một quốc gia bước ra khỏi 2 cuộc kháng chiến cần hỗ trợ, mà nhìn nhận Việt Nam là bạn, đối tác, là quốc gia có năng lực, trách nhiệm sát cánh cùng các nước đương đầu, giải quyết với những vấn đề toàn cầu. Trong đó, Việt Nam đã cùng nhân dân thế giới chung tay thực hiện hiệu quả các công cuộc xóa đói, giảm nghèo và các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 do LHQ đề ra. Thông qua giao lưu nhân dân để nâng cao dân trí, trình độ và khát vọng vươn lên đối với người dân, chuyên gia, du học sinh… Từ đó, lan tỏa động lực và nguồn cảm hứng để cả nước nỗ lực hoàn thành các mục tiêu Đại hội Đảng khóa XIII cũng như trong chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030. Ngoài ra, đối ngoại nhân dân cũng cần tìm kiếm, phát hiện ra những thực tiễn khách quan, khoa học mới ở ngoài nước mà có thể minh chứng cho chủ trương, đường lối, lý luận phát triển đất nước mà Đảng, Nhà đã lựa chọn.

Đối ngoại nhân dân góp phần nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế sâu rộng và thực chất, góp phần tạo động lực trong hợp tác quốc tế cũng như thực hiện các nhiệm vụ chuyên ngành ngoại giao. Đảng ta đã xác định điều tiên quyết trong tiến trình hội nhập quốc tế là phải gắn với giữ vững độc lập, tự chủ. Trong bối cảnh hiện nay, việc xử lý mối quan hệ giữa “độc lập, tự chủ” và “hội nhập quốc tế” đối mặt nhiều thách thức lớn, đòi hỏi ta phải sáng suốt, nỗ lực toàn diện hơn trên tất cả lĩnh vực trong đó có đối ngoại nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra con đường sáng rằng: “Cách mạng Việt Nam trong bất kỳ hoàn cảnh và thời điểm nào cũng cần đến vai trò, sự đóng góp của đối ngoại nhân dân”. Lời răn dạy của Người luôn là kim chỉ nam cho tư duy và hành động của chúng ta trong các giai đoạn của sự nghiệp cách mạng. Đối ngoại nhân dân có bề dày đóng góp lớn lao vào sự nghiệp xây dựng nền độc lập, tự chủ của nước nhà và chắc chắn sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả để bảo vệ vững chắc thành quả đó. Việc xây dựng tình đoàn kết quốc tế và nhân dân Việt Nam là cầu nối vững chắc nhất cho mọi mọi quan hệ hợp tác song phương, đa phương. Việc xây dựng niềm tin về một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, có trách nhiệm trong các tiến trình của thế giới, luôn nỗ lực vươn lên, vì sự thịnh vượng toàn cầu, vì tiến bộ quyền con người sẽ tạo nền tảng để quốc tế ủng hộ sự nghiệp cách mạng của Việt Nam. Đáng chú ý, Việt Nam cùng bạn bè quốc tế phấn đấu cho một thế giới thượng tôn pháp luật, nơi mà các nước nhỏ có quyền đưa ra tiếng nói bình đẳng hơn, chống can thiệp nội bộ - vốn là thói quen của nước lớn… Những nỗ lực đó tạo dựng cơ sở cho Việt Nam bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự chủ trong khi chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Ngoài ra, đối ngoại nhân dân có tiềm năng to lớn góp phần giải quyết nhiệm vụ cấp bách hiện nay là chống dịch COVID-19 và khôi phục kinh tế xã hội trong giai đoạn “bình thường mới”. Kể từ khi bùng phát và lây lan trên toàn cầu, đại dịch COVID-19 đã gây ra thiệt hại không đo đếm được về sức khỏe, tính mạng, kinh tế trên toàn thế giới và luôn chiếm vị trí trung tâm trong mọi chương trình nghị sự quốc gia các nước, Liên hợp quốc, ASEAN và các cơ chế đa phương lớn khác... Đại dịch COVID-19 do virus SARS-CoV-2 với nhiều biến thể nguy hiểm, không chỉ chia cắt về mặt địa lý giữa các nước đang tiến hành phong tỏa, mà còn gây ra rạn nứt khi nhân loại đang tranh cãi gay gắt về những biện pháp chống COVID-19. Chính phủ, phe phái chính trị tại các nước lớn đổ lỗi, cáo buộc lẫn nhau về nguồn gốc virus, việc lợi dụng đại dịch cho các mục đích riêng… Bối cảnh đó đặt ra cho đối ngoại nhân dân những khó khăn, thách thức trong hỗ trợ công tác phòng chống đại dịch toàn cầu này. Đối ngoại nhân dân có tiềm năng thúc đẩy sự quan tâm, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ Việt Nam từ cộng đồng quốc tế và bước đầu phát huy hiệu quả trên thực tiễn thông qua các cơ chế hợp tác của đối ngoại nhân dân như các tổ chức hữu nghị, cơ chế song phương, đa phương... Trong đó, nhiều hiệp hội doanh nghiệp, đầu tư của nước ngoài đã gửi thư đề nghị chính quyền sở tại hỗ trợ Việt Nam chống COVID-19, nhằm sớm khôi phục hoạt động kinh tế, đảm bảo sản xuất của các doanh nghiệp đó. Ngoài ra, kênh đối ngoại nhân dân ở cấp vùng, tỉnh thành cần được thúc đẩy phát huy hiệu quả, vừa phù hợp chủ trương của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, vừa tránh tình trạng phụ thuộc cấp Trung ương trong vận động quốc tế hỗ trợ chống COVID-19.

Tóm lại, xuyên suốt tiến trình cách mạng của Việt Nam, đối ngoại nhân dân trong hoàn cảnh nào cũng luôn thể hiện vai trò, chứng minh được tính hiệu quả thông qua hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó. Trong bối cảnh Việt Nam đứng trước những biến động mới của thế giới, cơ hội và thách thức đan xen, kênh đối ngoại nhân dân chắc chắn sẽ vượt qua khó khăn, đáp ứng trọn vẹn niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước. Dưới ánh sáng soi đường từ Đại hội Đảng khóa XIII, sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo là động lực vừa là cơ sở để công tác này phát huy nhiều hơn hiệu quả trong tương lai. Đặc biệt là ngoại giao nhân dân trong thời gian tới phải thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên ngành, tham gia xử lý cụ thể trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời đóng góp thiết thực vào thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại; đảm bảo an ninh chính trị, kinh tế và nâng nâng nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế./.

 
 
Nguyễn Tất Đạt