Năm 2022, thị trường Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc tiêu thụ hơn 500.000 chiếc ô tô. Tuy nhiên, sang năm 2023, tình hình được dự báo sẽ vô cùng khó khăn. Để cắt lỗ, nhiều mẫu xe đã giảm giá tới hàng trăm triệu đồng.
Ô tô đồng loạt giảm từ vài chục đến vài trăm triệu
Nhiều đại lý ô tô cho biết, doanh số bán ra tháng 4 sụt giảm vẫn chưa phải đáy và thời gian tới thị trường sẽ còn khó khăn hơn nữa. Ảnh: TT
Khảo sát của PV Báo Giao thông, những tháng đầu năm nhiều hãng và đại lý ô tô đồng loạt tung ra chương trình giảm giá nhằm xả hàng tồn kho.
Với những thương hiệu hạng sang và cận cao cấp như: Mercedes-Benz, BMW hay Volkswagen, mức giảm phổ biến được ghi nhận khoảng từ 100 đến hơn 300 triệu đồng.
Ở phân khúc phổ thông, các xe có số VIN 2022 (sản xuất năm 2022) được cả hãng và đại lý ưu đãi lớn. Nhiều mẫu ô tô được ưa chuộng ở thị trường Việt như Hyundai SantaFe, Toyota Corolla Cross hay Honda CR-V cũng giảm từ vài chục đến hơn 150 triệu đồng.
Nhân viên phụ trách mảng bán lẻ của một thương hiệu ô tô Hàn Quốc cho biết, tình hình kinh doanh quý I của hầu hết đại lý và hãng xe đều rất khó khăn.
Do dự đoán nhu cầu mua ô tô tăng cao vào quý I/2023 khiến các đại lý đặt hàng lượng lớn xe. Tuy nhiên thực tế không như vậy, từ đó tạo ra áp lực tồn kho lớn, đại lý buộc phải giảm giá để xả hàng, thậm chí chấp nhận bán lỗ.
Theo nhân viên bán hàng một đại lý Toyota tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), tình hình kinh doanh bắt đầu đi xuống từ cuối năm 2022 và còn ảm đạm hơn sau quý đầu năm nay. Giai đoạn từ tháng 1 - 3, lượng xe tồn nhiều do sức mua giảm.
Anh Trung Hiếu, giám đốc kinh doanh một đại lý ô tô thương hiệu Nhật Bản than thở: “Đến xe VIN 2023 giờ cũng bán rất chậm.
Kinh tế khó khăn, nhiều đại lý không xoay vòng vốn được nữa nên chấp nhận giảm giá mạnh, bán lỗ để thu tiền về chứ không chỉ vì xả hàng tồn kho”.
Việc các hãng và đại lý đồng loạt giảm giá cắt lỗ do thị trường ô tô Việt có dấu hiệu suy giảm ngay từ cuối năm 2022 khi doanh số toàn thị trường tháng 11 và 12 lần lượt giảm 0,5% và 3%, trước khi lao dốc 51% vào tháng 1/2023.
Tính đến hết quý I/2023, chỉ có 86.817 chiếc ô tô bán ra, thấp hơn khá nhiều so với con số 115.904 chiếc của cùng kỳ năm 2022.
Tổng số ô tô bán ra trong tháng 4 chỉ đạt 30.799 chiếc, giảm hơn 18% so với tháng 3. Riêng mảng xe du lịch, doanh số chỉ đạt 22.901 chiếc, giảm hơn 16% so với tháng 3.
Trong số hơn 70 mẫu ô tô du lịch được ghi nhận doanh số tại Việt Nam, hàng loạt dòng xe ăn khách như: Mitsubishi Xpander, Hyundai Creta, Toyota Vios, Ford Everest... đều giảm mạnh về lượng bán so với tháng trước.
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp nội địa trong tháng 4 cũng giảm mạnh, ước đạt 29.400 chiếc, giảm 6,4% so với tháng 3.
Lũy kế 4 tháng đầu năm, lượng ô tô lắp ráp ước đạt 109.500 chiếc, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Lượng ô tô nhập khẩu vào Việt Nam tháng 4 ước đạt 12.500 chiếc, giảm 17,9% so với tháng 3 và 5,2% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Tài chính cho biết, số thu ngân sách từ ô tô (gồm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT và lệ phí trước bạ) trong quý I/2023 thấp hơn 27% so với cùng kỳ năm 2022.
Chờ chính sách hỗ trợ để kích cầu
Theo nhận định, thị trường ô tô năm 2023 sẽ gặp nhiều khó khăn
PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhận định, doanh số ô tô toàn thị trường sụt giảm mạnh trong quý I bắt nguồn từ nguyên nhân chính là nền kinh tế đã thực sự bước vào giai đoạn khó khăn. Bên cạnh đó, giai đoạn đầu năm, sức mua ô tô cũng thường thấp hơn cuối năm.
“Trên thực tế, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 của Việt Nam tăng tới 8,02% so với năm 2021, cao nhất trong hơn 10 năm qua. Cuối năm ngoái bắt đầu nhen nhóm dấu hiệu cho thấy nền kinh tế sẽ đi xuống nhưng phải đến quý I/2023, suy thoái mới thể hiện rõ ràng.
Với riêng ô tô, là loại hàng hóa có thuế, phí cao dẫn tới giá bán cao, trong khi kinh tế lại đang khó khăn, thu nhập giảm làm người dùng thắt chặt chi tiêu”, ông Long lý giải.
Theo ông Long, việc thị trường ô tô có ấm lên trong phần còn lại của năm 2023 hay không phụ thuộc rất lớn vào việc kinh tế có khởi sắc hơn hay không.
Đồng thời, còn cần tới những chính sách tác động trực tiếp: “Trong bối cảnh hiện tại, nếu không có chính sách kích cầu từ Chính phủ, đặc biệt là về thuế, phí, tình trạng ảm đạm của ngành ô tô sẽ còn kéo dài”.
Nhiều người kinh doanh ô tô cũng cho rằng, lượng xe bán ra sẽ còn thấp hơn trong thời gian tới, doanh số tháng 4 sụt giảm vẫn chưa phải đáy của thị trường ô tô.
Hầu hết đều dự đoán sớm nhất phải từ tháng 8, mới có thể hy vọng kinh tế dần hồi phục và ngành ô tô bớt khó.
Mặt khác, quý I và II hàng năm vốn được xem là điểm “trũng” về doanh số. “Vụ mùa” thường chỉ bắt đầu từ cuối quý III, khoảng tháng 9 hoặc 10, trừ khi thị trường có biến động lớn.
Ở giai đoạn hiện tại, việc nắm bắt, nhận định dòng xe nào bán tốt, đẩy hàng tồn nhanh để tính toán lại lượng đặt hàng từ nhà máy đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch kinh doanh của các đại lý.
Một số đại lý cũng hỗ trợ để nhân viên bán hàng có thể giảm giá nhiều hơn cho khách mua xe.
Theo anh Trung Hiếu, hiện nay, nhu cầu mua ô tô của người tiêu dùng vẫn có, nhưng số có đủ khả năng thanh toán lại không nhiều. Nếu được hỗ trợ từ Chính phủ để giá xe giảm, sức mua mới có thể tăng trở lại.
Vừa qua, Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ liên quan đến đề xuất ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo Bộ Tài chính, hiện chưa thực hiện giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Trường hợp Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thực hiện chính sách giảm mức thu lệ phí trước bạ, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc một trong hai phương án.
Phương án 1: Giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Phương án 2: Giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với cả ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu.