Nhìn lại cả nhiệm kỳ QH khóa XIV, nhiều đại biểu QH (ĐBQH) đã khẳng định, đánh giá cao những thành tựu mà đất nước đã đạt được. Qua đó, một trong những nguyên nhân cốt lõi là bởi, QH và Chính phủ đã luôn sát cánh với nhau, phát huy những thành tựu của hơn 30 năm đổi mới, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi và khắc phục những tồn tại, hạn chế, đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn thách thức, vững bước trên đường phát triển.
Tại các buổi thảo luận về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của QH, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đa số ý kiến đồng tình với những thành tựu mà nhiệm kỳ khóa XIV đã đạt được. Theo đó, trong suốt nhiệm kỳ, các ĐBQH đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, tích cực tham gia và thật sự trở thành trung tâm hoạt động của QH, các cơ quan của QH, Đoàn ĐBQH. Từng đại biểu đã chủ động hơn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, thể hiện ở việc thường xuyên gắn bó, nắm bắt ý kiến, kiến nghị của cử tri, tăng cường tiếp công dân; bám sát thực tiễn, phát hiện nhiều vấn đề cấp thiết và bức xúc trong đời sống xã hội, kịp thời kiến nghị với QH, Chính phủ, các cơ quan hữu quan; đẩy mạnh thực hiện quyền giám sát, nâng cao chất lượng giám sát, đi vào chiều sâu, đến cùng của vấn đề.
Tuy nhiên, với đòi hỏi ngày càng cao của thực tiễn phát triển đất nước, trước thềm cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và ĐBQH khóa XV sắp tới, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến còn những trăn trở, những trông đợi gửi gắm ở tương lai. Cụ thể, đề cập đến chất lượng ĐBQH, các cơ quan của QH, TS Nguyễn Viết Chức (cử tri quận Ba Đình, Hà Nội), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH, đề xuất: Sớm có giải pháp bảo đảm số lượng ĐBQH chuyên trách theo quy định (ít nhất là 40% tổng số ĐBQH), tạo lực lượng nòng cốt trong triển khai các hoạt động của QH, góp phần tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH và Đoàn ĐBQH ở địa phương. Tiếp tục nghiên cứu đổi mới cách thức tổ chức và phương thức hoạt động của các cơ quan của QH, Đoàn ĐBQH...
Cùng với đó là những đề xuất nhằm nghiên cứu đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri; tổ chức lấy ý kiến góp ý của cử tri vào các dự án luật; tăng cường tiếp dân, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, tích cực giải thích cho người dân hiểu trong trường hợp đã được giải quyết…
Theo kế hoạch, ngày 23-5, công dân từ 18 tuổi trên cả nước sẽ tiến hành bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp và ĐBQH khóa XV; kỳ họp thứ nhất, QH khóa mới dự kiến khai mạc vào tháng 7-2021.
Đặt nhiều kỳ vọng ở đội ngũ lãnh đạo mới, đông đảo cử tri dõi theo mỗi phiên họp được truyền hình trực tiếp, nhất là các buổi lễ tuyên thệ nhậm chức. Lần lượt, sau lời tuyên thệ, như một cam kết trước quốc dân, đồng bào, qua "phát biểu đầu tiên" sau khi đắc cử của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ, đều cho thấy ý chí, niềm tin, phương hướng hành động rõ ràng.
Niềm tin, sự đoàn kết, thống nhất được thể hiện bằng tỷ lệ tán thành rất cao của các ĐBQH cả trong việc phê chuẩn, kiện toàn nhân sự và thông qua các luật, nghị quyết thời gian qua. Tin tưởng, kỳ vọng thì việc đòi hỏi cao ở tương lai là nhu cầu chính đáng của mỗi ĐBQH và cử tri. Bài toán "khơi dậy tiềm lực quốc gia", hơn lúc nào đang được đặt ra và cần lời giải hay nhất, đúng, trúng, cấp thiết và cụ thể, thực tế nhất.
Ở chức năng lập pháp, nhiều đại biểu đề nghị QH khóa mới tiếp tục xem xét các dự thảo luật, đẩy nhanh tiến độ sửa đổi luật... Theo bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, các sai phạm trong quản lý tài nguyên, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai ở nhiều nơi không chỉ ở mức "buông lỏng" mà là "nghiêm trọng" và có hệ thống. Do vậy, Chính phủ cần đánh giá đúng thực trạng, tìm giải pháp chấn chỉnh. Dẫn ý kiến cử tri, phản ánh thông tin liên quan đất đai ở nhiều địa phương còn thiếu minh bạch, đại biểu Kim Thúy nhấn mạnh: "Tôi mong Chính phủ mới sẽ sớm đưa ra giải pháp và cam kết khắc phục tình trạng này". Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Chính phủ nỗ lực trình dự thảo sửa đổi Luật Đất đai, vì luật này "đang có nhiều vấn đề chồng chéo, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người sử dụng đất".
Đề cập đến các "điểm nghẽn" về chính sách đang cần Chính phủ tập trung giải quyết, trả lời báo chí, ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng: Một trong những điểm nghẽn cần đặt lên bàn nghị sự và có giải pháp trong giai đoạn 2021 - 2025, là đổi mới để làm sao thu hút được nhiều hơn nữa vốn đầu tư của người Việt Nam vào sản xuất, kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng... Thứ hai, Chính phủ cần tiếp tục nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công trong các công trình trọng điểm quốc gia; thực hiện tốt ba đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng.
Xét về dài hạn, Đảng ta đã có phương hướng, tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2030, 2045 và xa hơn nữa. Song, để hoàn thành các mục tiêu đạt được nhiều thành tựu rất cần bắt đầu từ những bước đi cụ thể, quyết liệt, hiệu quả. Thách thức phía trước là khi QH có thêm những đại biểu mới, Chính phủ có các thành viên mới, bộ máy lãnh đạo địa phương cũng có những thay đổi, thì nhân tố đoàn kết, chung sức đồng lòng vượt khó sẽ đóng vai trò quyết định, từ đó khơi dậy mọi nguồn lực để phát triển quốc gia.