Dịch COVID-19 tại nhiều quốc gia Đông Nam Á (ĐNA) diễn biến phức tạp với số ca nhiễm mới và số ca tử vong tăng kỷ lục, gây quá tải hệ thống y tế. Chính phủ nhiều nước đã hoặc đang cân nhắc tái áp đặt các biện pháp đi lại để chặn đà lây, bên cạnh tăng tốc tiêm chủng hàng loạt.
Người dân Malaysia xếp hàng chờ tiêm chủng tại một điểm tiêm phòng
hàng loạt ở thủ đô Kuala Lumpur vào ngày 23-6. Ảnh: AP
Dịch bùng phát dữ dội
Theo hãng tin Reuters, Indonesia hiện là nước bị dịch nặng nhất khu vực. Trang thống kê Worldometers ngày 28-6 cho biết số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua ở Indonesia là gần 21.000, đưa tổng số bệnh nhân lên hơn 2,1 triệu. Đây là ngày thứ sáu liên tiếp Indonesia ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày trên 20.000. Số ca tử vong vì COVID-19 tại Indonesia cũng tăng thêm 423 trong ngày 27-6, lên tổng cộng hơn 57.500 ca.
Philippines ngày 28-6 ghi nhận khoảng 5.600 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca bệnh lên hơn 1,4 triệu. Tổng số ca tử vong vì dịch bệnh cũng đã tăng lên hơn 24.400, thêm 84 ca so với một ngày trước.
Thái Lan ngày 28-6 có hơn 5.400 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở đây lên gần 250.000. Đây cũng là ngày thứ 10 liên tiếp Thái Lan ghi nhận trên 2.000 ca nhiễm mới trong một ngày. Số ca tử vong hiện dừng ở mức 1.934, tăng thêm 22 trường hợp mới.
Malaysia ngày 28-6 có thêm khoảng 5.200 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm lên 739.200. Tổng số ca tử vong mới cũng tăng thêm 57 trường hợp, lên 5.000 ca.
Siết chặt phong tỏa, tăng cường tiêm chủng
Trong bối cảnh nói trên, chính quyền mỗi nước lại có cách phản ứng khác nhau để đẩy lùi đại dịch và trước mắt là giảm số ca nhiễm mới hằng ngày. Đối với Indonesia, Reuters dẫn ba nguồn tin giấu tên cho biết Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin đang thúc giục chính phủ thông qua đề xuất siết chặt các quy định phòng dịch.
Là nền kinh tế lớn nhất ĐNA, Indonesia dĩ nhiên sẽ không muốn và đến nay vẫn chưa tính đến khả năng phong tỏa toàn quốc. Thay vào đó, Indonesia sẽ chỉ phong tỏa hạn chế ở các khu vực có ổ dịch. Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo, mới đây khẳng định chiến lược chống dịch hiện tại vẫn có tác dụng nhưng cần được các địa phương thực thi tốt hơn.
Trong khi đó, Hiệp hội Y tế Indonesia (IDI) ngày 27-6 kêu gọi chính phủ thực hiện các biện pháp hạn chế quy mô lớn, đặc biệt là phong tỏa trên phạm vi toàn bộ đảo Java - nơi sinh sống của hơn một nửa trong số 270 triệu dân Indonesia. IDI cảnh báo hệ thống y tế trên đảo Java đã quá tải với hơn 30 bác sĩ tử vong vì dịch COVID-19 chỉ tính riêng trong tháng này.
Về chiến dịch tiêm vaccine, Indonesia đặt mục tiêu tiêm cho hơn 180 triệu người trước đầu năm tới. Tuy nhiên, Indonesia tới nay mới tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 5% dân số.
Ở Philippines, Tân Hoa Xã ngày 27-6 dẫn lời Thứ trưởng Y tế Leopoldo Vega kêu gọi người dân duy trì cảnh giác với dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh nguy cơ lây nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 vẫn cao. Philippines hiện cũng chưa áp dụng phong tỏa hay giãn cách toàn quốc, chỉ mới đang phong tỏa một số điểm dịch nghiêm trọng vùng nội đô Manila.
Chiến dịch tiêm vaccine của Philippines đang được tiến hành thuận lợi. Tính đến cuối tuần trước, 2 triệu người trong nước đã được tiêm và mục tiêu của nước này là tiêm cho 70 triệu người trước cuối năm nay. Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte, mới đây cũng nổi tiếng với phát ngôn gay gắt: “Một là các người tự chọn đi tiêm vaccine, hai là tôi sẽ bỏ tù các người” khi có thông tin một số điểm tiêm chủng ở Manila không có người tới tiêm.