Kết thúc quý 1/2024 với nhiều kết quả ấn tượng về lượng khách và doanh thu cho thấy du lịch ở nhiều tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ vẫn vững đà tăng trưởng.
Bước sang quý 2, sẵn sàng cho mùa cao điểm du lịch Hè, các địa phương, doanh nghiệp du lịch đổi mới, đa dạng sản phẩm, dịch vụ, đồng thời tìm giải pháp ứng phó với những thách thức, khó khăn để tiếp tục thu hút du khách.
Kết quả khả quan nhưng còn nhiều sức ép
Thông tin từ Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, 3 tháng đầu năm 2024, lượng du khách trong nước đến Thành phố đạt hơn 8 triệu lượt (tăng 6,6% so cùng kỳ năm 2023).
Số du khách quốc tế đến đạt trên 1,38 triệu lượt (tăng trên 32%). Tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 44.710 tỷ đồng (tăng gần 24%).
Tại tỉnh Kiên Giang, các cơ sở kinh doanh du lịch tiếp tục có nhiều tour, tuyến đến các vùng sinh thái, biển, đảo, được nhiều du khách lựa chọn, nhất là trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán. Ba tháng đầu năm nay tổng lượng khách du lịch đến Kiên Giang đạt trên 2,7 triệu lượt (tăng trên 22%).
Cùng ở Đồng bằng Sông Cửu Long, du lịch Đồng Tháp với thế mạnh sản phẩm du lịch gắn với trải nghiệm sản xuất nông nghiệp, làng nghề, du lịch sinh thái, văn hóa, thu hút 1,15 triệu lượt du khách trong quý 1 năm nay. Tổng thu du lịch đạt 480 tỷ đồng (tăng 1,2%).
Du khách quốc tế chèo thuyền Kayak trên sông Cửa Cạn, thành phố Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Tuy đạt nhiều kết quả tích cực, thể hiện rõ đà tăng trưởng, song theo đại diện ngành du lịch nhiều địa phương và các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, thời gian tới, cụ thể là ngay trước thềm mùa cao điểm du lịch hè, hoạt động du lịch đối mặt với không ít khó khăn.
Các điểm đến, sản phẩm du lịch, dịch vụ ngày càng chịu sức ép cạnh tranh cao hơn.
Đồng thời, với thực tế giá vé máy bay tăng cao nhất là vào các dịp nghỉ Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 -1/5 khiến nhiều du khách “e ngại” hoặc hoặc tính phương án chuyển sang các điểm du lịch gần, chi phí ít, phương tiện di chuyển linh hoạt, hoặc tính toán chọn các điểm đến ngoài nước, có chi phí tương đương du lịch trong nước.
Sáng tạo sản phẩm, tăng cường kích cầu
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Lê Trương Hiền Hòa: Nỗ lực xây dựng, sáng tạo các sản phẩm du lịch mới mẻ, hấp dẫn, Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 20, diễn ra từ ngày 4-7/4 đang được nhiều du khách chờ đón để tìm mua các tour du lịch với nhiều chính sách ưu đãi, kích cầu.
Các doanh nghiệp lưu trú, lữ hành, ẩm thực… sẽ giới thiệu đến du khách khoảng 400 chương trình tour, các dịch vụ lưu trú, ẩm thực, chăm sóc sức khỏe kết hợp du lịch…
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp giới thiệu đến du khách các phương tiện di chuyển đa dạng cho các tour, tuyến, như ôtô, tàu hỏa, tàu thủy cao tốc, máy bay, cùng các gợi ý trải nghiệm phù hợp.
Tàu cao tốc Thăng Long tại cảng Cầu Đá (Vũng Tàu). (Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN)
Đại diện Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết doanh nghiệp giới thiệu đến du khách nhiều chùm tour trong nước và nước ngoài, trong đó có nhiều chùm tour trong nước đến các điểm du lịch đang có sức hút như Phan Thiết, Đà Lạt, Nha Trang, Phú Yên, Côn Đảo, Vũng Tàu, miền Tây Nam Bộ, với phương tiện di chuyển linh hoạt.
Tương tự, Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel), giới thiệu đến du khách các chùm tour đa trải nghiệm với nhiều mức giá ưu đãi, kích cầu hấp dẫn, khởi động sớm mùa du lịch Hè.
Trong đó, Công ty giới thiệu nhiều bộ sản phẩm: dành cho thị trường trong nước; cho gia đình, hội bạn; liên vận tàu hỏa 5 sao; “Go Green” gồm những điểm đến gắn với thiên nhiên và các hoạt động du lịch xanh; "Tinh hoa ẩm thực Việt" đưa du khách đến thưởng thức các món ngon ở từng vùng, miền kết hợp với du lịch khám phá.
Để tiếp tục thu hút du khách, lãnh đạo Sở Du lịch Kiên Giang cho biết du lịch tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản phẩm mới; xúc tiến, kết nối nhiều hơn các đường bay quốc tế, tạo thuận lợi hơn trong thu hút du khách.
Bên cạnh đó, các địa bàn du lịch trọng điểm (thành phố Phú Quốc, Hà Tiên, Rạch Giá, huyện Kiên Hải...) chú trọng xây dựng, khai thác sản phẩm du lịch gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao kỹ năng, văn hóa ứng xử cho lao động tham gia làm dịch vụ du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, đảm bảo phát triển bền vững, tạo sức hút lâu bền với du khách./.