Theo kế hoạch, từ 8/5, Nhật Bản sẽ thay đổi việc phân loại với Covid-19 và sẽ coi Covid-19 như bệnh cúm mùa. Khách du lịch khi vào Nhật Bản sẽ không phải xuất trình chứng nhận tiêm chủng ít nhất 3 mũi vaccine ngừa Covid-19 hoặc có kết quả âm tính với Covid-19.
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, du lịch inbound đã trở thành một phần không thể thiếu trong nền kinh tế Nhật Bản và sự hồi sinh của ngành này có thể sẽ là một động lực được mong chờ.
Chính phủ Nhật Bản đã đặt mục tiêu, cho đến năm 2025, mỗi du khách đến Nhật Bản sẽ chi tiêu 200.000 yên (1.490 USD), tăng so với con số trước đại dịch là khoảng 160.000 yên.
Nhật Bản cũng muốn khuyến khích du khách nước ngoài dành thời gian ở khu vực ngoại ô lâu hơn trong các chuyến đi. Năm 2019, du khách nước ngoài trung bình chỉ dành một đêm ở vùng nông thôn.
Đồng yên yếu và nhu cầu của du khách tăng cao được kỳ vọng sẽ đóng vai trò như lực đẩy của sự phục hồi du lịch inbound trong ngắn hạn. Trong dài hạn, các chuyên gia du lịch cho rằng Nhật Bản cần tập trung hơn vào những trải nghiệm "chất lượng", với một số lĩnh vực đã được thúc đẩy như du lịch ẩm thực.
Trong ba tháng đầu năm 2023, Nhật Bản đã đón 4,79 triệu du khách nước ngoài, phục hồi khoảng 60% so với mức trước đại dịch. Theo dữ liệu của chính phủ Nhật Bản, sự phục hồi chủ yếu được thúc đẩy bởi lượng khách đến từ các thị trường từ Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Hồng Kông (Trung Quốc) và Mỹ.
Trong khi đó, lượng khách du lịch Trung Quốc lục địa, chiếm khoảng 1/3 tổng số du khách nước ngoài tới Nhật Bản, trong quý 1/2023 đã giảm 93,4% so với cùng kỳ năm 2019 do nước này vẫn hạn chế lượng khách đi theo đoàn.
Lượng khách tới Nhật Bản được dự báo sẽ trở lại mức trước đại dịch vào tháng 8 năm nay. (Ảnh: KYODO) |
Sự phục hồi mạnh mẽ về số liệu tổng thể đã khiến nhà kinh tế Takahide Kiuchi, thuộc Viện nghiên cứu Nomura, dự đoán rằng lượng khách inbound hằng tháng sẽ trở lại mức trước đại dịch vào tháng 8, sớm hơn 6 tháng so với ước tính ban đầu của ông.
Ông Kiuchi cho biết: “Triển vọng về nhu cầu của khách inbound đang gia tăng và chúng ta có thể kỳ vọng nguồn khách này sẽ trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế”, đồng thời ông cho biết thêm rằng thách thức hiện nay là cần thúc đẩy chi tiêu của du khách bằng cách loại bỏ các nút thắt về nguồn cung.
Tăng mức chi tiêu của du khách
Theo dữ liệu của chính phủ Nhật Bản, trong quý 1/2023, du khách nước ngoài, bao gồm cả những người đi công tác, đã chi trung bình khoảng 212.000 yên trong thời gian lưu trú tại Nhật Bản. Các khoản chi bao gồm khách sạn, thực phẩm, giải trí, mua sắm và phương tiện đi lại. Nếu các nút thắt về nguồn cung không được gỡ bỏ, mức chi tiêu của khách nước ngoài tại Nhật Bản vào khoảng 186.000 yên/khách.
Khi đồng yên yếu so với đồng đô la Mỹ và các loại tiền tệ khác có thể khuyến khích du khách từ Australia, châu Âu và Mỹ tăng cường chi tiêu, họ cũng có xu hướng ở lại Nhật Bản lâu hơn so với du khách từ các quốc gia châu Á khác.
Trước đại dịch, khách du lịch nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, vốn là đối tượng chi tiêu hào phóng tại Nhật Bản với việc mua các mặt hàng từ đồ gia dụng đến mỹ phẩm. Ngay cả khi lượng du khách đã quay trở lại Nhật Bản như trước, việc chi tiêu nhiều hơn như trước đây cũng khó có thể xảy ra.
Ông Shintaro Inagaki, nhà kinh tế thị trường cấp cao tại công ty Mizuho Securities, cho biết: “Mục tiêu chính của khách du lịch nước ngoài đã chuyển sang chất lượng trải nghiệm hơn là mua hàng hóa”.
Mục tiêu chính của khách du lịch nước ngoài đã chuyển sang chất lượng trải nghiệm hơn là mua hàng hóa.
Ông Shintaro Inagaki, nhà kinh tế thị trường cấp cao tại công ty Mizuho Securities
Ông Inagaki nói: “Chi tiêu cho mỗi du khách nước ngoài có xu hướng giảm ở vùng nông thôn, vì vậy việc đạt được mục tiêu 200.000 yên khi thúc đẩy khách du lịch đến các vùng nông thôn sẽ không dễ dàng”.
Chuyên gia Mizuho nói thêm, nếu tổng số du khách nước ngoài đến Nhật Bản đạt 31,88 triệu, mức cao nhất từng được ghi nhận vào năm 2019 và đạt được mục tiêu chi tiêu 200.000 yên mỗi người, điều này sẽ thúc đẩy tổng sản phẩm quốc nội thực tế của Nhật Bản tăng 1,2% mỗi năm.
Tuy nhiên, điều đó cũng sẽ phụ thuộc vào việc liệu Nhật Bản có thể giải quyết những thách thức cấp bách nhất của ngành du lịch hiện nay hay không. Đó là tình trạng thiếu lao động và chỗ ở. Hiện tại, Nhật Bản cũng đã chứng kiến sự phục hồi về nhu cầu đi lại trong nước sau khi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế chống Covid-19 và trợ cấp của chính phủ để hồi sinh ngành du lịch.
Tình trạng thiếu lao động đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực dịch vụ, lĩnh vực phục hồi chậm sau cú sốc Covid-19. Trong một cuộc khảo sát của công ty nghiên cứu Teikoku Databank nhắm vào hơn 11.700 công ty, 77,8% trong ngành khách sạn cho biết họ không có đủ nhân viên toàn thời gian.
Với những thách thức của du lịch được chỉ ra, các chuyên gia kinh tế nhận định, “du lịch bền vững sẽ không xảy ra nếu du khách không cảm thấy muốn quay lại Nhật Bản nhiều lần”.