Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser ngày 27/9 tuyên bố cảnh sát Đức sẽ bắt đầu tăng cường các cuộc kiểm tra linh hoạt và cơ động ở biên giới với Cộng hòa Séc và Ba Lan nhằm chống nạn buôn lậu.
Theo Bộ trưởng Faeser, Đức kiên quyết ngăn chặn nạn buôn lậu và do đó sẽ ngay lập tức bắt đầu tăng cường các cuộc kiểm tra di động tại các điểm trọng yếu trên các tuyến đường buôn lậu dọc biên giới với Cộng hòa Séc và Ba Lan.
Bà Faeser nhấn mạnh cảnh sát Đức sẽ không áp dụng các biện pháp kiểm tra, kiểm soát tại các điểm cố định như đã áp dụng tại các địa điểm được lựa chọn từ năm 2015 ở biên giới với Áo.
Tuy nhiên, bà Faeser cũng khẳng định chính quyền Đức chưa loại trừ hoàn toàn khả năng đưa ra các biện pháp kiểm soát tương tự như vậy, đồng thời cho biết nếu phải áp dụng đó là lựa chọn cuối cùng của Berlin.
Bộ trưởng Nội vụ Đức phải chịu nhiều áp lực từ các bang và từ phe đối lập bảo thủ trong vấn đề ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp.
Tính đến hết tháng 8/2023, Đức đã tiếp nhận 8,2 triệu đơn xin tị nạn. Giới chức Đức dự báo nước này sẽ nhận được khoảng 400.000 đơn trong năm 2023 này.
Trong thời gian qua, số người tị nạn đổ dồn tới châu Âu, đặc biệt là Italy và Đức, đã trở thành một trong những chủ đề chính được quan tâm ở khu vực này.
Trong chuyến thăm đảo Sicily của Italy giữa tuần qua, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết nước này đang phải đối mặt với tình trạng nhập cư tràn lan. Cả Đức và Italy đều đã "chạm ngưỡng giới hạn chịu đựng” về làn sóng tị nạn.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Nội vụ Đức đang thảo luận về dự thảo "Luật Hội nhập thị trường lao động và gia đình." Chính phủ Đức muốn tạo ra một khởi đầu mới trong chính sách di cư và hội nhập, phù hợp với một quốc gia nhập cư hiện đại mà ở đó mọi người cần được hội nhập xã hội nhanh hơn.
Những điểm chính của dự luật bao gồm tạo điều kiện đoàn tụ gia đình cho những người được hưởng quy chế "bảo vệ phụ" và trẻ vị thành niên.
Theo dự thảo, những người xin tị nạn và những người được hưởng quy chế tạm dung để ở lại Đức sẽ được tiếp cận thị trường lao động dễ dàng hơn. Dự thảo có đoạn: "Bất kỳ ai nhập cư Đức trước ngày 7/12/2021 và đang ở trong lãnh thổ Liên bang Đức với quy chế tạm dung hoặc tạm trú sẽ được phép đi làm."
Bên cạnh việc tạo điều kiện cho người tị nạn, dự thảo cũng đề cập tới một số biện pháp siết chặt đối với những người tị nạn phạm pháp hoặc không đủ điều kiện để ở lại Đức. Theo đó, những hành vi vi phạm lệnh cấm nhập cảnh sẽ là căn cứ để giam giữ và chờ trục xuất trong tương lai./.