Dừng bán hàng tại chỗ ở ‘vùng cam’: Dân băn khoăn, chuyên gia phản ứng19/12/2021 - 19:38:00 Ca nhiễm liên tục tăng mạnh, "vùng cam" lan rộng, chính quyền nhiều nơi tại Hà Nội quyết định dừng bán hàng tại chỗ, chỉ bán mang về.
“Không đúng bản chất phòng ngừa lây nhiễm” Dưới góc nhìn của chuyên gia dịch tễ, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội đánh giá, việc nhiều nơi tại "vùng cam" không cho phép hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống không thực sự đi vào bản chất của việc phòng ngừa lây nhiễm. Chuyên gia cũng khẳng định, việc làm này là không hiệu quả bởi người dân không ăn uống tại vùng này hoàn toàn có thể di chuyển sang vùng khác. “Không chỉ chuyện ăn uống mà còn nhiều hoạt động khác như làm việc, sinh hoạt, hiếu hỉ…, những hoạt động này nói chung vẫn có nhiều nguy cơ lây nhiễm cho nên việc cấm dịch vụ ăn uống hay đóng hàng quán trước 21h hầu như không có giá trị. Ngược lại còn gây ra nhiều hậu quả và thiệt hại cho những cơ sở sản xuất kinh doanh”, chuyên gia nhấn mạnh. Thậm chí, theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, việc ngừng hoạt động kinh doanh ăn uống tại chỗ còn có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm do cấm ở nơi này thì người dân lại tiếp tục di chuyển sang nơi khác. “Bản chất phòng ngừa lây nhiễm là người dân phải chủ động các biện pháp phòng ngừa cá nhân, dù ở vùng nào đi nữa. Còn các chủ cửa hàng kinh doanh phải tuân thủ các quy định về khai báo y tế, giữ khoảng cách, vệ sinh khử khuẩn… giữ cho cửa hàng, cửa hiệu thông thoáng, hướng dẫn khách hàng khai báo y tế…”, chuyên gia cho hay. Chật vật xoay xở kinh doanh Đó là tình trạng chung của nhiều hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Việc thường xuyên bị động bởi các phương án phòng chống dịch khiến không ít người cảm thấy mệt mỏi, bất lực. Sở hữu một quán phở bò trên phố Hàng Thùng (phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm), bà Mai không khỏi bất ngờ trước thông tin một số phường tại quận Hoàn Kiếm chỉ được phép bán hàng mang về, trong đó có phường Hàng Bạc. Bà Mai chia sẻ, trước đây trung bình mỗi ngày bán được khoảng 200 bát phở thì từ lúc bán mang về chỉ còn bán được chưa đến 100 bát/ngày do bún phở là mặt hàng đặc thù, chỉ khi ăn tại chỗ mới ngon, nếu mua mang về sẽ không còn nóng… Việc kinh doanh thường xuyên thay đổi theo các phương án phòng, chống dịch của thành phố làm doanh thu giảm sút đáng kể. “Tôi cũng thấy vô lý bởi cùng một tuyến phố Hàng Thùng nhưng chỗ thuộc địa phận Hàng Bạc chỉ được bán mang về, chỗ thuộc phường Lý Thái Tổ thì vẫn được bán bình thường. Vậy chống dịch thế nào?”, bà Mai thắc mắc. Đó cũng là câu hỏi của nhiều hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống tại những “vùng cam” khác trước yêu cầu mới của chính quyền. Theo đó, hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống đã bị ảnh hưởng nhiều bởi các đợt giãn cách trước. Nếu tiếp tục quay lại áp dụng các chính sách như trước đây thì hoạt động kinh doanh tiếp tục chịu nhiều thiệt hại, trong khi cách làm này không được đánh giá cao về hiệu quả chống dịch. Theo TTXVN/Vietnam+
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|