Trích dẫn các nguồn tin thân cận với cuộc họp kín của EC, hãng tin Bloomberg cho biết theo hướng dẫn mới về thanh toán khí đốt, châu Âu có kế hoạch khuyến cáo các công ty năng lượng trong khối nên tuyên bố rõ ràng rằng họ coi các nghĩa vụ của mình đã hoàn thành sau khi thanh toán bằng đồng euro hoặc USD theo các hợp đồng hiện có. Đồng thời, hướng dẫn này không ngăn cản các công ty mở tài khoản mới tại Ngân hàng Gazprombank theo yêu cầu của Moskva.
Trong nhiều tuần qua, các công ty châu Âu đã chật vật tìm cách có thể đáp ứng các yêu cầu từ Moskva mà không vi phạm các lệnh trừng phạt. Vào tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu các nước “không thân thiện” phải thanh toán các hợp đồng mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp. Để tuân thủ sắc lệnh này, các khách hàng được yêu cầu mở tài khoản tại Gazprombank và thực hiện thanh toán bằng đồng euro hoặc USD, sau đó sẽ được chuyển đổi thành tiền tệ của Nga.
Ông Putin cũng cảnh báo rằng việc không tuân thủ hệ thống mới sẽ đồng nghĩa với việc các nước ảnh hưởng có nguy cơ bị cắt nguồn cung khí đốt.
Tuy nhiên, Bloomberg đưa tin: “Cơ quan điều hành của EU không cho biết việc có tài khoản bằng đồng rúp - theo yêu cầu của Nga - có phù hợp với các quy định của EU hay không”. Hãng tin cũng lưu ý trước đây, các quan chức EU đã chỉ ra rằng việc mở tài khoản bằng đồng rúp sẽ vi phạm các lệnh trừng phạt, “mặc dù chưa bao giờ ghi rõ bằng văn bản”.
Trong khi đó, thời hạn thanh toán hợp đồng khí đốt Nga của một số công ty nước ngoài rơi vào cuối tháng này. Nếu họ từ chối các yêu cầu từ Moskva, nguồn cung khí đốt có thể bị cắt. Trước đó, vào tháng trước, Bulgari và Ba Lan đã bị cắt nguồn cung. Một số quốc gia cũng đã chuẩn bị cho kịch bản tương tự.
Ngày 28/4, Phần Lan cho biết Helsinki sẽ không đồng ý với yêu cầu này của Nga và gọi đây là “hành vi tống tiền”.
Hồi tháng 4, Ủy ban châu Âu cho biết có thể có nhiều cách để thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp mà không vi phạm các lệnh trừng phạt. Tuyên bố này đã dẫn đến một bình luận từ cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev.
“Chúng tôi đánh giá cao sự nhất quán và toàn vẹn của các đối tác châu Âu. Đặc biệt là xem xét thực tế rằng, theo dữ liệu gần đây của IMF, châu Âu vẫn có thể hoạt động mà không có khí đốt của chúng tôi trong vòng 6 tháng. Nhưng nói một cách nghiêm túc, họ thậm chí sẽ không tồn tại được một tuần,” ông Medvedev, người hiện giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cho biết trên Telegram.
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu đang có kế hoạch tiết lộ một bản dự thảo chi tiết nhằm loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch của Nga sớm nhất là trong tháng này, để đáp trả chiến dịch quân sự của Moskva tại Ukraine.
Trước đây, Nga cung cấp tới 40% lượng khí đốt nhập khẩu của EU và là nhà xuất khẩu khí đốt cho tổng số 23 quốc gia châu Âu.