Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, năm học 2023 - 2024 là một năm với lượng công việc nhiều, tầm quan trọng lớn, chất lượng công việc có tác động lớn tới chất lượng đổi mới giáo dục phổ thông. Bên cạnh việc tiếp tục rà soát, triển khai các lớp đã thực hiện theo chương trình mới, ngành giáo dục tập trung triển khai mới với các lớp 4,8,11, và chuẩn bị điều kiện triển khai các lớp cuối cấp 5,9,12. 

Việc chuẩn bị sách giáo khoa cho các năm cuối cấp 5-9-12 có yêu cầu, đòi hỏi đặc biệt hơn bởi đây là các lớp cuối cấp và cũng là cuối cùng của giai đoạn triển khai triển khai cuốn chiếu chương trình GDPT 2018. 

Bên cạnh nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông, nhiều vấn đề, nhiệm vụ quan trọng khác cũng sẽ được ngành Giáo dục triển khai trong năm học mới này. 

Đánh giá về những thuận lợi và khó khăn trong triển khai đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng một trong những thuận lợi lớn nhất của ngành là đang nhận được sự quan tâm lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhân dân. Sự quan tâm này đã và đang hỗ trợ rất lớn đối với ngành giáo dục, đồng thời tạo ra động lực quan trọng cho sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Tuy nhiên đổi mới mang theo những thách thức đối với cái cũ, tư duy cũ, quan niệm cũ và sức ì. Đổi mới càng sâu thì thách thức càng lớn. Đổi mới không chỉ liên quan đến học sinh, giáo viên mà còn cần sự ủng hộ của phụ huynh, xã hội. 

Gần 24 triệu học sinh, sinh viên khai giảng năm học mới - Ảnh 1.

Học sinh Hà Nội khai giảng năm học mới vào sáng 5-9. Ảnh: LAN ANH

Gần 24 triệu học sinh, sinh viên khai giảng năm học mới - Ảnh 2.
Gần 24 triệu học sinh, sinh viên khai giảng năm học mới - Ảnh 3. 

 Đối với lực lượng nhà giáo, một trong những khó khăn nằm ở chỗ những cách làm cũ vốn đã định hình và ăn sâu vào thói quen giảng dạy. Không phải tất cả giáo viên đều sẵn sàng đổi mới mình để thích nghi với công việc mới cần làm theo yêu cầu của sự đổi mới. Để khắc phục cần có sự nỗ lực, quyết tâm, chia sẻ rất lớn từ đội  ngũ các nhà giáo.