Điểm chuẩn xét tuyển học bạ của các trường đại học được công bố như sau (bấm vào tên trường để xem).
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM có 17 ngành điểm chuẩn từ 29 trở lên; trung bình mỗi môn phải đạt 9,7 điểm. Riêng 4 ngành Công nghệ thông tin, Thương mại điện tử, Kinh doanh quốc tế, Logistics và chuỗi quản lý cung ứng hệ đại trà lấy điểm chuẩn 29,75. Nếu không có điểm ưu tiên, thí sinh phải đạt điểm trung bình mỗi môn từ 9,9 trở lên.
Tại trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, phương thức xét tuyển bằng học bạ chia làm 2 nhóm: Điểm chuẩn học bạ cả năm lớp 10, 11 & HK1 lớp 12 và Điểm chuẩn học bạ cả năm lớp 12. Nhìn chung, phần lớn ngành lấy điểm chuẩn học bạ khá dễ chịu, rơi vào khoảng từ 20-26 điểm. Điểm chuẩn học bạ ngành Công nghệ dệt, may, Công nghệ chế tạo máy, Công nghệ vật liệu, Kỹ thuật nhiệt, Công nghệ chế biến thủy sản... khoảng 20 điểm. Một số ngành “hot” như Marketing, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Công nghệ thực phẩm có mức điểm chuẩn trên 26 điểm.
Đại học Kiến trúc Hà Nội tuyển 2.280 chỉ tiêu, trong đó một số ngành có áp dụng xét tuyển học bạ năm kỳ đầu bậc THPT với tổng chỉ tiêu theo phương thức này là 205. Bảy trong tám ngành/chuyên ngành xét tuyển bằng học bạ lấy điểm trúng tuyển là 19, tức hơn 6,3 điểm mỗi môn. Mức này được xác định dựa vào tổng điểm trung bình chung ba môn trong tổ hợp xét tuyển thuộc 5 học kỳ đầu tiên bậc THPT cộng điểm ưu tiên. Chỉ ngành Quản lý dự án xây dựng lấy lên 23,5 điểm.
Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội cũng lấy điểm chuẩn học bạ ở mức 19-21 điểm. Hai ngành Thiết kế thời trang, Công nghệ may lấy 21 điểm. Ngành “hot” như Marketing tại trường cũng chỉ ở mức 20 điểm, cùng điểm chuẩn với ngành Quản lý công nghiệp. Các ngành còn lại có điểm chuẩn xét học bạ là 19 điểm.
Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh đã công bố điểm chuẩn các phương thức xét tuyển sớm gồm xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc trung học phổ thông. Theo đó, điểm chuẩn cao nhất ở phương thức xét học bạ là 27.7 điểm tất cả các tổ hợp môn xét tuyển của ngành Thú y. Điểm chuẩn cao nhất của phương thức xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực là 800 điểm ở các ngành thuộc nhóm Cơ khí công nghệ và Thú y, Ngôn ngữ Anh.
Tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, tính theo thang điểm 30, có đến 3 ngành có mức điểm chuẩn vượt trần bao gồm: Báo chí, Luật và Quản trị dịch vụ du lịch - lữ hành. Cả 3 ngành này đều có điểm chuẩn là 30,5 điểm.
Trường Đại học Luật Hà Nội có mức điểm chuẩn cao khi các ngành hầu hết trên 26 điểm. Ngành luật kinh tế có mức điểm chuẩn cao nhất khối A01 là 29,52 điểm.
Tại trường Đại học Y tế công cộng, ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường có mức điểm chuẩn thấp nhất là 18,26 điểm, trong khi ngành có điểm chuẩn học bạ cao nhất là ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học với 26,7 điểm.
Với xét học bạ, Học viện Ngân hàng tuyển 802 trong tổng 3.200 chỉ tiêu. Thí sinh cần thỏa mãn đồng thời hai điều kiện là có học lực năm lớp 12 đạt loại giỏi và có điểm xét tuyển đạt từ 26 đến 28,25 điểm.
Tại Đại học Kinh tế Quốc dân, ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng tích hợp chứng chỉ quốc tế (LSIC) lấy 28,33 điểm với thí sinh nhóm 3, cao nhất trong 60 ngành và chương trình ở cả ba nhóm. Ở chiều ngược lại, hai ngành Quản trị chất lượng và đổi mới, Quản trị lữ hành lấy điểm chuẩn ở ngưỡng 18 (nhóm 2). Không ngành nào khác thấp hơn mức 18 điểm này.
Nhóm 2 tham gia thi đánh giá năng lực của một trong hai đại học Quốc gia Hà Nội và TP HCM, đạt tối thiểu 85 hoặc 700 điểm. ĐTX = Điểm thi * 30/150 (hoặc 30/1200) + điểm ưu tiên.
Nhóm 3 sử dụng kết hợp chứng chỉ tiếng Anh và điểm thi đánh giá năng lực. ĐXT = điểm quy đổi chứng chỉ + (điểm thi *30/150; hoặc *30/1200) * 2/3 + điểm ưu tiên.