Thông tin về chu kỳ điều chỉnh giá điện bán lẻ bình quân tại họp báo thường kỳ quý IV/2024 của Bộ Công Thương ngày 7/1, ông Nguyễn Quang Minh, Trưởng Phòng Thị trường điện, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, theo Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg ngày 26/3/2024 của Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, với chu kỳ điều chỉnh tối thiểu từ 6 tháng giảm xuống còn 3 tháng.
“Cục Điều tiết điện lực đang xây dựng Nghị định về cơ chế điều chính giá bán lẻ điện bình quân và thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Đây là nghị định mới, sẽ được xây dựng và ban hành đồng thời với thời gian có hiệu lực của Luật Điện lực (sửa đổi). Trong đó có lộ trình xây dựng cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ 3 tháng xuống 2 tháng”, ông Minh cho biết và nêu rõ, việc xây dựng cơ chế điều chính giá bán lẻ điện bình quân xuống 2 tháng mới đang là ý tưởng. Cục Điều tiết điện lực đề xuất phương án điều chỉnh này để lấy ý kiến các đơn vị.
Cũng theo ông Minh, phương án đề xuất này đang phải lấy ý kiến của rất nhiều đơn vị, đặc biệt là các đối tượng chịu tác động, nên cần thiết phải có thời gian đánh giá tác động khi điều chỉnh chu kỳ về giá bán lẻ điện bình quân xuống 2 tháng. Sau khi tổng hợp các ý kiến, Cục Điều tiết điện lực sẽ báo cáo Bộ Công Thương tham mưu cơ chế phù hợp nhất.
Liên quan đến cơ chế giá điện hai thành phần, theo ông Nguyễn Quang Minh, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã giao Cục Điều tiết điện lực thực hiện nghiên cứu xây dựng, đề xuất cơ chế giá điện hai thành phần. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trực tiếp nghiên cứu xuất xây dựng cơ chế giá bán điện hai thành phần, EVN cũng đã có một số báo cáo gửi Bộ.
“Cơ chế giá điện hai thành phần là một trong những chính sách mới ở Việt Nam, tác động đến tất cả các đối tượng khách hàng. Chính vì vậy, Bộ Công Thương đang tiếp tục yêu cầu EVN nghiên cứu số liệu và đánh giá tác động, trước khi có đề xuất cụ thể với Bộ Công Thương, cũng như báo cáo cấp có thẩm quyền, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và cho phép áp dụng theo lộ trình, chắc chắn không thể áp dụng đồng loạt cho các đối tượng”, ông Minh cho hay.
Cũng tại cuộc họp báo, việc Việt Nam phát triển Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận thời gian tới nhận được nhiều sự quan tâm của báo chí. Ông Bùi Quốc Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, sau khi Quốc hội thông qua chủ trương phát triển điện hạt nhân, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng để trình Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Ban này có chức năng giải quyết những vướng mắc, công việc liên quan đến liên ngành để phát triển Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã có Tờ trình đề xuất một số công việc cần sớm triển khai, như bổ sung nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 vào Quy hoạch điện VIII sửa đổi. Xem xét giao EVN làm chủ đầu tư các dự án trên. Cho phép EVN triển khai ngay việc chỉ định tư vấn, rà soát điều chỉnh nghiên cứu tiền khả thi của dự án, cũng như báo cáo cấp thẩm quyền cho chủ trương tái đàm phán, ký điều chỉnh hiệp định thỏa thuận với các đối tác đã triển khai trước đây.
Cơ chế giá điện hai thành phần bao gồm giá "công suất" và "điện năng". Trong hóa đơn tiền điện sẽ hiển thị hai thành phần tính giá điện, gồm giá công suất được khách hàng đăng ký theo "gói công suất" gắn với nhu cầu sử dụng. Thành phần thứ hai là giá điện năng gắn với lượng điện thực tế sử dụng. Cơ chế giá điện hai thành phần giống với gói cước điện thoại hiện các nhà mạng viễn thông đang áp dụng tại Việt Nam.