Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thông tin từ trang Oryza cho thấy, ngày 8/3, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang được giao dịch ở mức 508 USD/tấn. Trong khi đó, gạo 5% tấm của Thái Lan được giao dịch ở mức 507 USD/tấn, Pakistan 438 USD/tấn và Ấn Độ 408 USD/tấn.
Giá gạo Việt Nam tăng cao hơn Thái Lan trong năm 2021
Như vậy, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam đang cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan. Việc này đã bắt đầu từ ngày 2/3 khi gạo 5% tấm của Việt Nam tăng lên 518 USD/tấn so với mức 513 USD/tấn của ngày trước đó, trong khi gạo 5% tấm của Thái Lan từ 514 USD/tấn giảm xuống còn 513 USD/tấn.
Chính phủ Thái Lan đã nhất trí giảm thuế xuất khẩu gạo sang châu Âu và Anh nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của gạo Thái Lan trên thị trường thế giới. Theo Phó phát ngôn viên Văn phòng Chính phủ Ratchada Thanadirek, Bộ Thương mại Thái Lan đã đề xuất việc cắt giảm thuế xuất khẩu gạo, dựa theo các thỏa thuận đã ký kết giữa các bên trước đó.
Động thái này được chính phủ Thái Lan chấp thuận trong bối cảnh nhiều loại gạo của nước này gần đây đã mất dần vị thế trên thị trường thế giới, do các đối thủ sản xuất lúa gạo liên tục tung ra thị trường nhiều dòng sản phẩm gạo mới. Chính vì vậy việc cắt giảm thuế xuất khẩu gạo lần này được cho là nhằm giúp gạo Thái Lan có sức cạnh tranh hơn.
Thái Lan cùng có xu hướng giảm giá gạo để giữ thị phần.
Theo quy định mới vừa được chính phủ chấp thuận, thuế xuất khẩu đối với gạo thơm trắng và gạo đồ 100% xuất đi Liên minh châu Âu sẽ giảm từ 2.500 bạt/tấn (80,28 USD/tấn) xuống còn 1.500 bạt/tấn (48,17 USD), trong khi đối với Vương quốc Anh sẽ giảm xuống 1.200 bạt/tấn (38,54 USD).
Liên tục đến nay, dù giá gạo 5% tấm của cả Việt Nam và Thái Lan cùng có xu hướng giảm xuống, nhưng giá gạo 5% tấm Việt Nam vẫn luôn cao hơn gạo Thái Lan, dù khoảng cách đã thu hẹp dần xuống chỉ còn chênh nhau 1 USD/tấn vào ngày 8/3.
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng mạnh.
Tuy nhiên, theo một thương nhân ngành gạo, giá gạo như trên chỉ là giá danh nghĩa do không có nhiều hợp đồng mới được ký kết trong thời gian gần đây, bởi các nhà nhập khẩu vẫn đang chờ nguồn cung ở Việt Nam dồi dào hơn khi thu hoạch rộ lúa đông xuân ở ĐBSCL./.