Ngày 11/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Campuchia, Giáo sư Chheang Ra, cho biết thực trạng gia tăng bệnh không lây nhiễm là một trong những thách thức lớn của ngành y tế và người dân ở quốc gia Đông Nam Á này.
Người đứng đầu ngành y tế Campuchia đưa ra nhận định trên tại diễn đàn “Thực trạng Y tế Campuchia: Cơ hội và thách thức” diễn ra ngày 11/9 tại Bệnh viện Calmette ở trung tâm Thủ đô Phnom Penh.
Sự kiện do Câu lạc bộ các nhà báo Campuchia (CCJ) và Bộ Y tế Campuchia phối hợp tổ chức, thu hút đông đảo phóng viên thuộc gần 60 cơ quan báo chí trong và ngoài nước tham gia.
Tại sự kiện, Giáo sư Chheang Ra cho biết ngành y tế nước này đang đối mặt với nhiều thách thức như gia tăng bệnh không lây nhiễm, tình trạng già hóa dân số, những vấn đề sức khỏe liên quan đến môi trường, biến đổi khí hậu... Trong đó, ghi nhận thực trạng tử vong do bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng, cao hơn bệnh truyền nhiễm ở thời điểm hiện nay, nhất là các bệnh cao huyết áp, tai biến, viêm phổi mãn tính, ung thư...
Liên quan tình trạng già hóa dân số, Bộ trưởng Chheang Ra cho biết tỷ lệ người trên 60 tuổi ở Campuchia đã tăng từ 5,2% vào cuối thế kỷ trước lên 8,9% vào năm 2019 và dự kiến tăng lên mức 21% vào năm 2050. Đây cũng là một vấn đề đáng lưu tâm của ngành y tế và người dân Campuchia.
Bộ trưởng Chheang Ra lưu ý ngành y tế Campuchia vẫn còn cần vượt qua nhiều thách thức để hướng tới nhiều mục tiêu đặt ra, bao gồm nâng tỷ lệ phổ cập y tế toàn dân từ 51% ở thời điểm hiện nay lên 80% vào năm 2035, tăng cường triển khai nhân viên y tế đến vùng sâu vùng xa, thực hiện chính sách phòng chống bệnh ung thư...
Ông cũng lưu ý thực trạng người dân Campuchia ra nước ngoài khám chữa bệnh vẫn khá phổ biến, mỗi năm khoảng 20.000-25.000 người, so với 1,3 triệu bệnh nhân sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh trong nước.
Tính đến giữa năm 2024, Campuchia có 3.440 trạm y tế cơ sở và 135 bệnh viện cấp huyện, tỉnh và trung ương, đảm bảo chăm sóc sức khỏe toàn dân trên phạm vi toàn quốc với tổng dân số khoảng 17 triệu người./.