Đầu giờ chiều, các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước liên tiếp điều chỉnh giá vàng theo chiều hướng tăng.
Cụ thể, tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), giá vàng miếng SJC niêm yết ở mức 69,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 70,35 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 500.000 – 550.000 đồng/lượng so với giá chốt phiên cuối tuần.
Tương tự, doanh nghiệp kinh doanh vàng Mi Hồng công bố giá mua vào ở mức 69,85 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 70,35 triệu đồng/lượng, tăng 550.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với chốt phiên chiều qua.
Thậm chí tại Công ty vàng bạc đá quý DOJI, còn điều chỉnh mức tăng lên tới 800.000 đồng/lượng, đẩy giá mua và bán vàng miếng SJC lên 69,8 – 70,4 triệu đồng/lượng. Đây là mức tăng cao nhất của vàng miếng SJC tính theo ngày trong nhiều tuần trở lại đây.
Mặc dù giá tăng sốc nhưng chênh lệch giữa chiều mua và bán vẫn được các doanh nghiệp duy trì ở mức thấp, hiện khoảng 600.000 đồng/lượng, cho thấy sức mua của thị trường không “nóng”.
Đối với các loại vàng nữ trang 24K, vàng nhẫn tròn trơn được giao dịch phổ biến ở mức 56,3 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 57,2 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, tăng 400.000 đồng/lượng ở chiều mua và tăng 200.000 đồng/lượng ở chiều bán so với giá đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần.
Trên thị trường thế giới, giá kim loại quý vào đầu phiên giao dịch chiều (theo giờ Việt Nam) dao động quanh mức 1.990 USD/ounce, tăng khoảng 20 USD/ounce so với giá chốt phiên cuối tuần. Qui đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại, giá vàng thế giới tương đương khoảng 55,3 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 550.000 đồng/lượng. So với giá vàng miếng SJC, hiện giá vàng thế giới đang thấp hơn khoảng 15 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới đang trong xu hướng tăng mạnh do nhà đầu tư lo lạm phát có dấu hiệu tăng cao ở nhiều quốc gia. Sau nhiều phiên liên tục mua vào, lần đầu tiên quỹ đầu tư tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust bất ngờ bán ra 4,93 tấn, hạ khối lượng dữ trữ vàng tại quỹ này xuống mức 1.099,49 tấn.