Giá xăng dầu trong nước đang chịu tác động của giá xăng dầu thế giới và thị trường Singapore.
Trên thị trường thế giới, giá dầu tuần qua giảm nhẹ sau hai tuần tăng liên tiếp.
Sang tuần này, giá dầu đi xuống ở phiên giao dịch đầu tuần. Đến phiên hôm nay (16/4), giá dầu thế giới quay đầu đi lên.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 13h57' ngày 16/4 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 90,36 USD/thùng, tăng 0,27 USD, tương đương 0,3% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 85,69 USD/thùng, tăng 0,28 USD, tương đương 0,33% so với phiên liền trước.
Còn tại thị trường Singapore, trong kỳ vừa qua, giá xăng thành phẩm bình quân ở thị trường này tăng so với kỳ trước. Nhưng mức tăng không quá lớn.
Dựa theo diễn biến giá xăng dầu thế giới, lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu nhận định, giá xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành ngày mai có thể được điều chỉnh theo hướng tăng giá xăng, giảm giá dầu.
Các doanh nghiệp xăng dầu dự báo, nếu cơ quan điều hành không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) thì giá xăng trong nước có thể tăng từ 340-390 đồng/lít. Ở chiều ngược lại, giá dầu diesel có khả năng giảm 90 đồng/lít.
Nếu dự báo trên là chính xác thì giá xăng RON 95 sẽ vượt mốc 25.000 đồng/lít.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 8 lần tăng, 5 lần giảm, 2 lần trái chiều.
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu gần đây nhất (ngày 11/4), giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu được điều hành theo hướng giảm giá xăng E5 RON 92, tăng giá xăng RON 95 và các mặt hàng dầu (trừ dầu mazut).
Cụ thể, giá xăng E5 giảm 70 đồng/lít, giá bán về mức 23.840 đồng/lít.
Trái lại, giá xăng RON 95 tăng 20 đồng/lít, giá lên mức 24.820 đồng/lít.
Giá dầu diesel được điều chỉnh tăng 630 đồng/lít, giá bán lẻ lên 21.610 đồng/lít. Giá dầu hoả tăng 580 đồng/lít, giá lên mức 21.590 đồng/lít.
Tương tự các kỳ trước, ở kỳ điều hành này, liên bộ Tài chính - Công Thương không trích lập và cũng không chi Quỹ bình ổn đối với hầu hết các loại xăng dầu, trừ trích lập với dầu mazut 300 đồng/lít.