Gian nan tuồng cổ09/06/2021 - 07:37:00 Nghệ thuật tuồng lưu giữ nhiều giá trị văn hoá, lịch sử của dân tộc. Tuy nhiên, theo thời gian, tuồng đang dần mất đi chỗ đứng và có nguy cơ thất truyền.Hát tuồng xuất hiện vào thế kỷ thứ 12 đời nhà Trần, là một loại hình sân khấu cung đình dành cho cung vua, phủ chúa. Thời kỳ đầu, tuồng xuất hiện và có đất diễn chủ yếu ở miền Bắc, sau này mới phát triển mạnh về phía Nam, ngày càng bén rễ trong đời sống, xã hội với những đặc trưng cởi mở, mạnh mẽ, màu sắc, vui tươi hơn. Nghệ thuật tuồng cổ phát triển cực thịnh vào thế kỷ 17, tới cuối thế kỷ 18, bộ môn này đã phát triển một cách hoàn chỉnh mọi mặt từ kịch bản văn học đến nghệ thuật biểu diễn. Đến nửa sau thế kỷ 19, nghệ thuật tuồng có những biến đổi quan trọng và 3 dòng tuồng (cung đình, sĩ phu yêu nước, dân gian) đã cùng song song phát triển và tồn tại. Ở thời kỳ phát triển, trong các lễ hội lớn ở các làng xã hầu như đều tổ chức diễn tuồng. Những đêm hát tuồng ở sân đình, trong tiếng trống chầu rộn rã, từ quan viên, chức sắc cho đến dân chúng đều đắm mình thưởng thức bộ môn nghệ thuật sân khấu dân gian thú vị này. Sự độc đáo, hấp dẫn của bộ môn nghệ thuật tuồng cổ có lẽ không chỉ ở nội dung, triết lý mà nó mang lại mà còn ở nghệ thuật vũ đạo kết hợp ngôn ngữ hình thể để lột tả tính cách, tâm trạng của nhân vật và diễn đạt nội dung vở diễn. Mỗi loại nhân vật của tuồng lại có một lối diễn khác nhau, chính diện thường ngay thẳng, cương trực, đi đứng đàng hoàng, còn phản diện thì gian xảo, láo liên, uốn éo. Bên cạnh đó, dàn nhạc tuồng, ngoài nhiệm vụ hỗ trợ trong biểu diễn của diễn viên còn có vai trò quan trọng thổi hồn cho nhân vật và bối cảnh… Kể từ khi chấm dứt chế độ phong kiến, Việt Nam trải qua nhiều biến động lịch sử, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước trên mọi phương diện, các môn nghệ thuật truyền thống trong đó có nghệ thuật tuồng cổ đã mất dần chỗ đứng của mình, nhất là sau khi các phương tiện truyền thông phát triển, nhiều loại hình văn hóa, giải trí mới ra đời và các loại hình nghệ thuật ngoại quốc du nhập vào Việt Nam ngày càng đa dạng. Các khán giả trẻ gần như đã quay lưng dần với môn nghệ thuật cổ truyền này, chỉ còn lớp người lớn tuổi với những hồi ức về những đêm thâu đi xem hát tuồng. Họ dường như vẫn háo hức với các vở tuồng như Sơn Hậu, Nữ tướng Đào Tam Xuân, Đinh Lưu Tú diễn ca, Lãm Túy Hiên truyện… gắn liền với tên tuổi của các nghệ sĩ gạo cội như Quang Tốn, Bạch Trà… Có thể nói, khi các sân khấu dân tộc thưa vắng người xem khiến cho đời sống các nghệ sĩ đã khó khăn nay càng thêm eo hẹp. Mới đây nhất, trên sân khấu của Chương trình Giác quan thứ 6 (trên kênh VTV3), nghệ sĩ tuồng Minh Hòa đã ngậm ngùi chia sẻ, sân khấu mỗi tháng chỉ sáng đèn 1 lần, chỉ có 1 suất duy nhất mà tập thì rất cực. Tiền cũng không kiếm được bao nhiêu nên buộc lòng mình phải làm thêm nghề tài xế xe ôm để kiếm tiền xoay xở cuộc sống của gia đình. Mình rất nhớ sân khấu nhưng phải kiếm sống để còn nuôi dưỡng được niềm đam mê với nghề. Có thể thấy, nam nghệ sĩ nhắc đến cải lương tuồng cổ với một sự tự hào nhưng xen lẫn chua xót vì loại hình nghệ thuật này đang ngày càng mai một, không còn như thời hoàng kim, càng ngày càng ít suất diễn. Nhìn vào thực tế trên có thể khẳng định những tác phẩm tuồng cổ là những vốn văn hoá quý của sân khấu dân gian Việt Nam bởi vậy rất cần sự chung tay vào cuộc của Nhà nước, của các nhà khoa học, nghệ sĩ, nghệ nhân và quần chúng nhân dân nhằm phục hồi, gìn giữ và lan tỏa tuồng cổ vào đời sống xã hội. Trước mắt, cần xây dựng các chính sách đãi ngộ phù hợp cho các nhà hát, các nghệ sĩ, diễn viên, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ nhằm giúp họ an tâm cống hiến với nghề. Sau đó, để tính đến các phương án lâu dài, cần sự đầu tư có trọng điểm cho các nhà hát, sân khấu dân tộc - nơi lưu giữ các vở diễn kinh điển. Chúng ta biết rằng, khán giả họ chỉ thờ ơ với bộ môn nghệ thuật nào mà xa rời đời sống và khiến họ cảm thấy mơ hồ về nó. Vì vậy, để phù hợp với xu thế phát triển hiện đại, cần tìm ra các phương án phù hợp với xã hội đương thời nhằm tiếp cận với đối tượng khán giả trẻ và du khách nước ngoài, khơi gợi trong họ tình cảm yêu mến với loại hình nghệ thuật này. Chúng ta có thể biến tuồng cổ thành sản phẩm của giáo dục và sản phẩm của du lịch bằng cách đưa nó vào trong các trường học hoặc các khu du lịch nhằm xây dựng được lực lượng khán giả của riêng mình và lan tỏa trong đời sống văn hóa của người dân và bạn bè quốc tế. Hãy để khán giả “bén duyên” với tuồng từ những sự độc đáo mà tự thân tuồng mang lại, có thể là học từ cách vẽ mặt nạ, cách hóa trang, cho đến cách hiểu ý nghĩa các tích tuồng, cách biểu diễn thú vị của tuồng,… Giới trẻ hiện nay rất nhạy bén, họ có thể tiếp nhận truyền thống theo cách của họ để không chỉ lưu giữ truyền thống mà họ có khả năng tuyệt vời trong việc phát huy truyền thống theo cách riêng của họ dưới những hình thức rất mới mẻ, độc đáo. Chúng ta cũng cần tổ chức các cuộc thi, liên hoan, hội diễn tuồng bằng những hình thức độc đáo hơn, có thể là ở dạng sân khấu mở như biểu diễn tại các tuyến phố có cho phép biểu diễn nghệ thuật như phố đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm, phố đi bộ Nguyễn Huệ… Một số địa phương hiện nay vẫn đang cố gắng giữ gìn loại hình nghệ thuật độc đáo này như ở nôi tuồng Bình Ðịnh vẫn nở rộ phong trào quần chúng diễn tuồng, hầu như xã nào cũng có đội tuồng không chuyên được trang bị khá đầy đủ và diễn các tích tuồng cổ rất hấp dẫn. Hay như ở xã Cổ Loa, xã Việt Hùng, xã Xuân Nộn huyện Đông Anh (Hà Nội) cũng đang tồn tại khoảng 6-7 câu lạc bộ tuồng ở các lứa tuổi khác nhau, từ bậc cao niên cho đến những học sinh tiểu học. Ở thành phố du lịch Nha Trang (Khánh Hòa), Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa cũng đã từng tổ chức chương trình “tuồng xuống phố” thu hút sự theo dõi của đông đảo công chúng… Có thể thấy, nghệ thuật tuồng vẫn có nhiều đất sống nếu chúng ta biết cách khai thác và đưa tuồng hòa vào nhịp sống đương thời. Theo Đại đoàn kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|