Giao dịch bất động sản chỉ bằng 10% so với trước dịch Covid-1913/11/2023 - 17:01:00 Thị trường bất động sản (BĐS) vẫn tiếp tục trong vòng xoáy khủng hoảng, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, triển khai các giải pháp hỗ trợ kịp thời.Ngày 13/11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị triển khai Công điện 933/CĐ-TTg về tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh. Hội nghị diễn ra trực tiếp ở Hà Nội và trực tuyến với các điểm cầu. Thị trường hồi phục yếu Trình bày báo cáo tại hội nghị, Cục trưởng Cục phát triển nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Hoàng Hải cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, các Bộ, ngành đã làm việc với quyết tâm cao nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ thống khung pháp lý, chính sách đối với các hoạt động kiểm soát, điều chỉnh, hỗ trợ thị trường BĐS để đảm bảo tính đồng bộ, liên thông của hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh BĐS, chứng khoán, tín dụng và giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Trên cơ sở đó, thị trường BĐS ghi nhận có tín hiệu phục hồi. Cụ thể, so với quý I, số lượng dự án đang triển khai xây dựng trong quý III/2023 tăng lên 123,64%, do có nhiều dự án đã được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý… nên số lượng dự án được cấp phép đầu tư, triển khai xây dựng tăng lên; Về lượng giao dịch, trong quý III cả nước có trên 6.000 sản phẩm được bán, tăng gấp 1,5 lần so với quý I và hơn 2 lần so với quý II. Lượng giao dịch phục hồi nhờ sự hấp thụ dần từ hàng loạt động thái hỗ trợ quyết liệt của Chính phủ và một phần dòng tiền quay trở lại do lãi suất giảm. Đáng chú ý, giá bán sơ cấp không có nhiều thay đổi so với các quý trước, đã bắt đầu đi ngang, thậm chí tăng nhẹ ở một số địa phương; Mức độ quan tâm chung cư đã có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu tìm mua tăng 1% và tìm thuê tăng 6% so với quý trước, tập trung chủ yếu vào dòng sản phẩm giá từ 2 - 4 tỷ đồng; Bên cạnh đó, nhu cầu tìm kiếm, sự quan tâm của nhà đầu tư đối với nhà ở riêng lẻ, đất nền trong dự án BĐS đã tăng so với 2 quý đầu năm 2023. “Tuy nhiên, trên thực tế sự phục hồi được ghi nhận vẫn còn yếu. So với quý II, số lượng dự án BĐS đang triển khai xây dựng giảm xuống còn 87,53% trong quý III/2023. Nguyên nhân cơ bản là do nhiều dự án quy mô nhỏ đã được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự án để tránh việc chậm bàn giao nhà và gia tăng nguồn thu từ nghĩa vụ tài chính còn phải đóng theo hợp đồng mua bán của khách hàng. Số lượng giao dịch tăng, nhưng vẫn chỉ bằng khoảng 10% so với thời điểm trước dịch Covid-19. Tính chung trong 10 tháng đầu năm 2023, tổng giao dịch bằng 50% so với cùng kỳ năm 2022” - Cục trưởng Cục phát triển nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Hoàng Hải cho hay. Tập trung vào các giải pháp về nguồn vốn Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, từ đầu năm đến nay trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn tiếp tục có những biến động phức tạp, nhưng NHNN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan tích cực triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân... đặc biệt là trong lĩnh vực BĐS. “Thị trường BĐS có mối liên hệ với nhiều ngành kinh tế khác, nếu thị trường BĐS hoạt động an toàn, bền vững thì sẽ tạo động lực cho các ngành kinh tế khác phát triển. Vì vậy, thời gian qua Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Tại hội nghị này, đề nghị các chuyên gia, nhà quản lý tập trung đánh giá thuận lợi, khó khăn về giải pháp đã triển khai về thị trường BĐS, tín dụng, lãi suất và đề ra giải pháp thời gian tới” - Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nói. Theo Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN Việt Nam) Hà Thu Giang, đến ngày 31/10/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022. Riêng đối với lĩnh vực BĐS, đến 30/9/2023, tổng dư nợ tín dụng đối ở các tổ chức tín dụng đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với thời điểm 31/12/2022, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Trong đó tín dụng BĐS tập trung vào mục đích tiêu dùng/tự sử dụng chiếm 64% và dư nợ đối với hoạt động kinh doanh BĐS chiếm tỷ trọng 36%. “Trong 9 tháng đầu năm 2023, tín dụng kinh doanh BĐS lại có sự tăng trưởng cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy những giải pháp, nỗ lực của Chính phủ, ngành Ngân hàng và các bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường đang dần phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng tích cực triển khai cho vay theo chương trình của Chính phủ về nhà ở” – bà Hà Thu Giang cho hay. Tuy nhiên, hiện nay thị trường BĐS vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc kéo dài về thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, quy hoạch, đầu tư xây dựng; Sự mất cân đối cung cầu giữa các phân khúc; Nhu cầu của thị trường tại một số phân khúc đang sụt giảm mạnh; Năng lực tài chính của DN còn hạn chế và phụ thuộc chủ yếu vào nguồn huy động từ bên ngoài như vốn vay, trái phiếu, huy động từ người mua nhà; Các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn (trái phiếu DN, chứng khoán) chưa phát triển tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế... Trước những vướng mắc nêu trên, tại hội nghị đại diện NHNN cho biết sẽ tiếp tục tập trung vào một số giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, gồm: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng, chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng phù hợp với thực tiễn (trong đó tập trung rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 03 và Thông tư 06); Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng nâng cao khả năng tiếp cận vốn của DN và người dân. Triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN. Cùng với đó sẽ bám sát tình hình triển khai Chương trình 120.000 tỷ đồng để phối hợp với Bộ Xây dựng xem xét, đề xuất giải pháp đẩy mạnh thực hiện, góp phần thúc đẩy việc đầu tư, xây dựng cũng như mua nhà ở xã hội của người dân; Phối hợp với các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện quy định pháp lý nhằm hỗ trợ thị trường BĐS phát triển bền vững. Đồng thời kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng và tăng cường công tác, giám sát, phòng, chống, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Theo Kinh tế đô thị
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|