Nhịp sống hối hả và vội vã của thời hiện đại đã phần nào làm phai nhạt những giá trị mà nghề thủ công truyền thống mang lại trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội. Nhưng ở một góc nhỏ khiêm tốn của phố Hàng Quạt, một người nghệ nhân già vẫn lặng lẽ khắc từng con dấu gỗ, âm thầm gìn giữ nét đặc trưng của nghề truyền thống.
Bí quyết tạo con dấu
Ở Hà Nội, khắc con dấu là một trong những nghề thủ công nổi tiếng ở khu vực phố cổ. Không ai rõ nghề này có từ bao giờ, chỉ biết rằng, những con dấu với nhiều hình thức đã xuất hiện rất lâu trong chiều dài lịch sử dân tộc.
Dưới tốc độ đô thị hoá và sự thay đổi, nghề khắc dấu giờ đây chỉ còn được biết đến qua một vài cửa hàng nhỏ trên phố Hàng Quạt, Hàng Bông, Tạ Hiện và cửa hàng Tinh Hoa khắc dấu trên phố Hàng Gai.
Những ngày đầu thu tại Hà Nội, chúng tôi ghé thăm nhà nghệ nhân Phạm Ngọc Toàn đúng lúc ông đang cặm cụi hoàn thành các con dấu gỗ. Tận mắt chứng kiến đôi tay thoăn thoắt, tỉ mẩn đục đẽo từng chi tiết và được lắng nghe những tâm sự của nghệ nhân, chúng tôi mới phần nào thấu hiểu được sự khó khăn cũng như nỗi vất vả để bám trụ lấy nghề.
Khép mình khiêm tốn bên cạnh ngôi đình cổ đầu phố, cửa hàng khắc con dấu số 6 Hàng Quạt của gia đình ông Phạm Ngọc Toàn chỉ vỏn vẹn hơn 10m2. Được bố trí ngăn nắp, gọn gẽ, cửa hàng của ông Toàn bày đủ loại khuôn gỗ, con dấu và vài chiếc ghế nhựa cho khách.
Ông đeo một chiếc kính khá dày, đôi bàn tay uyển chuyển đưa từng nét dao trên mặt con dấu, tỉ mỉ khắc từng nét chữ theo nguyên mẫu. Đó là một con dấu bằng chữ Hàn do vị khách người Hàn Quốc đặt trước, hẹn chiều muộn qua lấy.
Mắt không rời khỏi con dấu, ông Toàn kể: “Nghề khắc dấu này do gia đình truyền lại. Từ ngày nhỏ ngoài việc đi học, tôi đã học bố khắc con dấu rồi nhưng sau này lại chọn sư phạm. Tôi từng là thầy giáo dạy Toán - Lý nhưng do cái duyên nên lại quay trở về với nghề truyền thống gia đình. Đến ngày hôm nay được hơn 40 năm rồi. Trước năm 1993, tôi làm ở phố khác, sau đó mới về Hàng Quạt cho đến bây giờ”.
Để tạo ra một con dấu gỗ khắc thủ công, ông Toàn chia sẻ, người nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn từ chọn gỗ, mài phôi, vẽ phác họa, chạm khắc... Đáng lưu ý, công đoạn điêu khắc là quan trọng hơn cả, chỉ một cái lỡ tay là các chi tiết sẽ không được như ý và bị mất đi cái hồn vốn có của nó.