Tuy nhiên, bên cạnh các doanh nghiệp phải cơ cấu lại lao động thì cũng có một lượng lớn doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh (SXKD), cần tuyển thêm lao động nhưng lại không tìm được nhân lực. Các chuyên gia cho rằng, thị trường lao động chưa linh hoạt, liên thông cung-cầu lao động chưa tốt, chất lượng lao động hạn chế đã dẫn đến tình trạng này. Theo đó, thời gian tới phải chú trọng đào tạo và đẩy mạnh kết nối cung-cầu lao động.

Bài 1: Lao động nơi thừa, nơi thiếu

Những tháng đầu năm, số lượng người lao động (NLĐ) bị cắt giảm gia tăng, nhưng bên cạnh đó, nhu cầu tuyển dụng mới của nhiều doanh nghiệp cũng không nhỏ. Tại các khu công nghiệp trong cả nước đang có nhu cầu tuyển mới khoảng 400.000 lao động, tuy nhiên việc tuyển dụng cũng không hề dễ dàng. Nhiều doanh nghiệp không tuyển dụng được công nhân, nhất là công nhân có chuyên môn, kỹ thuật. 

Nhiều lao động bị cắt giảm do doanh nghiệp thiếu đơn hàng

Theo số liệu của Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cung cấp, trong những tháng cuối năm 2022, có khoảng 600 doanh nghiệp ở 63 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng, thu hẹp đơn hàng, khiến khoảng 53.000 lao động mất việc. Số lao động bị ảnh hưởng phần lớn ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI, chiếm 75%). Tuy nhiên, chỉ tiêu tuyển dụng của các doanh nghiệp vẫn cao hơn nhiều số lượng NLĐ mất việc. Như vậy, vấn đề xảy ra ở đây là tình trạng nơi thì thiếu lao động, nơi thì thừa lao động có tính chất cục bộ. Cũng theo thống kê, trong quý I-2023, một số ngành sử dụng nhiều lao động bị cắt giảm đơn hàng, tập trung ở các ngành nghề: Dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ khí công nghiệp phụ trợ..., trong đó đơn hàng da giày sụt giảm 20-30%; dệt may 25-30%; chế biến gỗ 70%; công nghiệp phụ trợ 50%... Dự kiến, việc thiếu đơn hàng sẽ kéo sang cả quý II-2023, do đó sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới vấn đề bảo đảm việc làm cho NLĐ.

Các công nhân đang làm việc tại Tập đoàn ALUKO Group bất ngờ khi mất việc. 
Các công nhân đang làm việc tại Tập đoàn ALUKO Group bất ngờ khi mất việc. 

Có mặt tại Khu công nghiệp Điềm Thụy (phường Hồng Tiến, TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) những ngày đầu tháng 3-2023, chúng tôi chứng kiến nhiều công nhân vây kín cổng Tập đoàn ALUKO Group do bị cắt giảm nhân sự nhưng không nhận được thông báo trước. Một trong những công nhân mất việc ngày hôm đó là anh Phàn Bá Thắng, sinh năm 2003, dân tộc Dao, quê ở xã Ngam La, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang mới xuống làm việc được 20 ngày. Anh Thắng cho biết: “Sáng nay đi làm, tôi mới nhận được thông báo không phải đi làm nữa, trong khi đó tiền lương tôi chưa được nhận, công ty cũng chưa trả căn cước công dân để tôi có thể đi xin việc ở nơi khác. Cả dây chuyền của tôi 20 người đều bị cắt giảm nên tôi và mọi người đang rất hoang mang”.

Cùng cảnh ngộ với anh Thắng, chị Nguyễn Thị Mùi, quê ở huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, làm việc cho Tập đoàn ALUKO Group được hơn một năm cũng bị thôi việc. Chị Mùi cho biết, từ tháng 1-2023 đến nay, chị 3 lần bị luân chuyển giữa các công ty con của Tập đoàn, còn bây giờ là được thông báo nằm trong diện cắt giảm nhân sự. Lương của chị khi chưa tăng ca được 4 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca đều được khoảng 8 triệu đồng/tháng. Trao đổi với chúng tôi, ông Phùng Xuân Thành, Trưởng phòng Hành chính Công ty Cổ phần Hyundai Aluminum Vina (Tập đoàn ALUKO Group), cho biết: “Do gặp một số khó khăn trong việc tìm đơn hàng nên chúng tôi buộc phải luân chuyển NLĐ từ công ty này sang công ty khác, từ xưởng này sang xưởng khác để bảo đảm NLĐ vẫn có việc. Tuy nhiên, trong quý II-2023, công ty vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong việc tìm đơn hàng nên buộc phải cắt giảm nhân sự. Lương và các chế độ của NLĐ bị cắt giảm, chúng tôi vẫn bảo đảm đầy đủ theo quy định”.

Còn anh Lương Văn Hòa, công nhân làm việc cho một công ty sản xuất linh kiện điện thoại tại Khu công nghiệp (KCN) Vân Trung (tỉnh Bắc Giang) cho biết: “Các năm trước, vào những tháng đầu năm, chúng tôi đều phải tăng ca, làm thêm giờ, nhưng năm nay thì ngược lại. Từ trước Tết Nguyên đán, công ty ít việc, công nhân nghỉ luân phiên, như tháng vừa rồi lương của tôi chỉ được hơn 3 triệu đồng. Vợ tôi cũng là công nhân nhưng đang nghỉ chế độ thai sản, nhà còn mẹ già, hai con nhỏ, lại chỉ có một mình tôi đi làm nên thu nhập giảm, tôi rất lo lắng”. Không riêng công ty nơi anh Hòa làm việc mà nhiều doanh nghiệp ở KCN Vân Trung và KCN Quang Châu (Bắc Giang) cũng trong tình trạng tương tự.

Theo ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang, trong hơn 400 doanh nghiệp tại KCN thì có khoảng 10% doanh nghiệp đã phải cho công nhân giãn ca, giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, nghỉ ngày thứ bảy hoặc chấm dứt hợp đồng lao động với một số công nhân hết thời hạn. Đáng chú ý, từ tháng 12-2022 đến nay, tình trạng doanh nghiệp cho công nhân nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, cho lao động hết hợp đồng nghỉ việc tăng. Đặc biệt, đã có doanh nghiệp báo cáo, trình phương án cho hàng nghìn lao động nghỉ hẳn việc trong thời gian tới.

Khó khăn tìm ứng viên

Bên cạnh những công ty, doanh nghiệp gặp khó khăn khi không có đơn hàng thì vẫn có một lượng lớn doanh nghiệp mở rộng SXKD, cần tuyển lao động nhưng lại không tìm được người. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thùy Dương, Trưởng phòng Hành chính-Nhân sự, Công ty TNHH Công nghiệp Spindex Hà Nội (KCN Nội Bài, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) cho biết: “Nhân sự của công ty tôi trong quý I-2023 về cơ bản ổn định, do nhu cầu mở rộng kinh doanh, công ty có kế hoạch tuyển thêm nhân sự. Tuy nhiên, dù đã đăng tuyển dụng theo nhiều cách nhưng công ty vẫn chưa tìm đủ người. Ngành nghề của công ty tôi là làm về cơ khí nên việc tuyển dụng cũng rất khó khăn”.

Tương tự, dù đăng tuyển dụng liên tục khắp các kênh thông tin nhưng Công ty TNHH Seung Woo Vina (KCN Yên Bình, TP Phổ Yên) cũng chưa tuyển đủ lao động. Mặc dù có ưu đãi đối với công nhân như ngoài mức lương 7-9 triệu đồng/tháng, công ty còn có nhiều chế độ phụ cấp khác như tăng lương theo định kỳ, thưởng tháng lương thứ 13, thưởng theo thâm niên... nhưng lượng hồ sơ ứng tuyển không nhiều. Mỗi ngày công ty chỉ nhận được 5-7 bộ hồ sơ, có ngày không nhận được bộ hồ sơ nào.

Ông Ngô Xuân Liễu, Giám đốc Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm (Cục Việc làm) cho biết: “Theo đánh giá, thị trường lao động hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu việc làm cục bộ. Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp phần lớn phụ thuộc vào các đơn hàng, còn đối với các lĩnh vực dịch vụ, du lịch đang tiếp tục có sự phục hồi nhờ vào các chính sách ưu đãi được triển khai. Trong quý II-2023, đối với các địa phương có thị trường lao động phát triển như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, theo đánh giá nhu cầu tuyển dụng sẽ lớn hơn ở các ngành: Vận tải-logistics; dịch vụ nhà hàng, khách sạn, du lịch; công nghệ thông tin; dịch vụ tài chính, ngân hàng... Chúng tôi hy vọng trong quý II-2023, số lao động bị cắt giảm do thiếu đơn hàng được kỳ vọng sẽ giảm”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nghịch lý đối với thị trường lao động trong thời gian gần đây là tình trạng có nơi thì thiếu việc, thừa người khiến nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lượng lớn nhân sự; có ngành nghề thì doanh nghiệp thiếu lao động, song tuyển dụng mãi không đủ chỉ tiêu. Để cung-cầu lao động tiệm cận nhau, việc đào tạo nguồn lao động chất lượng tốt, dự báo thị trường lao động, kết nối cung-cầu cần đẩy mạnh hơn nữa, đáp ứng yêu cầu của NLĐ và doanh nghiệp.