Gỡ ‘nút thắt’ cho cát nhân tạo30/11/2024 - 14:46:00 Cát là loại vật liệu quan trọng, không thể thiếu trong đầu tư xây dựng. Với tốc độ xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng ở nước ta như hiện nay, nhu cầu sử dụng cát làm vật liệu xây dựng ngày một tăng, trong khi nguồn cung cát tự nhiên đang dần cạn kiệt và khan hiếm. Từ đầu năm đến nay ở nhiều địa phương, giá mỗi khối cát tự nhiên đã tăng từ 15 - 20%.
Cả nước hiện có trên 330 mỏ cát sông với tổng trữ lượng gần 2.100 triệu m3 nhưng nguồn cung từ cát tự nhiên chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu. Chính vì vậy, việc sản xuất và sử dụng cát nghiền (còn gọi là cát nhân tạo) trong xây dựng được xem là xu thế tất yếu. Cát tự nhiên ngày càng khan hiếm Theo thống kê của Cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam, nước ta có 331 mỏ cát sông với tổng trữ lượng khoảng 2.079,72 triệu m3. Nguồn cát chính cung cấp cho sản xuất bê tông và vữa chủ yếu tập trung ở các dự án được cấp phép cho các doanh nghiệp (DN) khai thác các mỏ hoặc nạo vét khơi thông luồng lạch, nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 60 - 65% nhu cầu và cung cấp cho các đô thị lớn. Đối với cát san lấp, nhu cầu hàng năm cần từ 525 – 575 triệu m3. Hiện cả nước có 71 cơ sở khai thác cát san lấp được cấp phép với tổng công suất đạt trên 4,5 triệu m3/năm, mới đáp ứng được 1,5% so với mức độ tiêu thụ cát xây dựng. Theo dự báo, nguồn tài nguyên cát sẽ sớm cạn kiệt và nguy cơ nước ta nhập khẩu cát xây dựng là điều có thể sẽ xảy ra. Cát tự nhiên khan hiếm dẫn đến tình trạng khai thác quá mức diễn ra tại các dòng sông. Trong khi đó, theo đánh giá việc khai thác cát vượt mức sẽ làm tụt đáy sông. Dòng sông bị xói sâu ở một điểm sẽ gây xói lở đáy dẫn đến sụt lún ven sông. Tình trạng sụt lún sẽ ngày càng nghiêm trọng khi cát bị khai thác quá mức, sức chịu đựng của lòng sông không còn. Bằng chứng là từ cuối năm 2023 đến nay, hàng chục căn nhà chủ yếu thuộc xóm Bãi, thôn Vân Hội (xã Phong Vân, huyện Ba Vì, TP Hà Nội) có dấu hiệu bị nứt tường, nhiều nhà kiên cố cũng xuất hiện những vết nứt chạy dài trên nền gạch. Ông Nguyễn Huy Hoàng - Chủ tịch xã Phong Vân (huyện Ba Vì, Hà Nội) cho biết, hút cát làm ảnh hưởng đến lòng sông, biến đổi dòng chảy, gây nứt kè, tường nhà dân. Khoảng 900m bờ kè sông Đà đã bị tụt chân. Số nhà lún nứt tăng nhanh, nằm từ bờ kè vào sâu khoảng 40-50 m, tập trung ở xóm Bãi. Trước tình trạng kể trên, hiện TP Hà Nội không cấp phép khai thác cát ở khu vực này. Nói về hệ lụy khi khai thác cát vượt mức, PGS.TS Vũ Thanh Ca - nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ (Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, việc hút cát quá mức đã khiến nhiều nơi ven sông Hồng và các sông dọc theo hướng Bắc - Nam bị hạ thấp và giảm mực nước. Nếu lượng cát bị hút quá nhiều tại một vị trí, nhất là nạo vét thông luồng, mực nước tại đó và thượng nguồn sẽ bị giảm, đồng thời độ dốc đáy sông và mặt nước tăng lên nên vận tốc dòng chảy cũng tăng theo, gây xói lở đáy dẫn đến sụt lún ven sông. Thậm chí, một số cây trồng ở hai bên sông có thể bị chết và tạo ra những thay đổi đến hệ sinh thái. Đồng thời, việc mực nước ngầm bị hạ thấp còn ảnh hưởng đến hoạt động khai thác nước ngọt phục vụ sinh hoạt của dân cư. Dòng sông bị tụt khiến chân công trình bị lộ và nhanh chóng hư hỏng. Tạo cơ chế khuyến khích sử dụng cát nhân tạo Trước thực trạng trên để giảm áp lực về môi trường cho các dòng sông, đồng thời bảo vệ tốt nguồn khoáng sản cát tự nhiên chưa khai thác, nhiều địa phương đã đề ra các giải pháp khuyến khích người dân và doanh nghiệp chuyển dần từ cát tự nhiên sang sử dụng cát nhân tạo trong xây dựng. Về cơ chế chính sách, thời gian qua, các cơ quan quản lý cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách cho đầu tư, nghiên cứu sản xuất vật liệu thay thế cát tự nhiên, trong đó có xây dựng những cơ chế danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật để làm căn cứ ứng dụng trong thực tế, các cơ quan ban ngành có liên quan cũng đã xây dựng chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư sản xuất cát nghiền và một số vật liệu khác thay thế cát tự nhiên. Ông Lương Văn Hùng - Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện nay, nhiều DN tại các địa phương - nơi có nguồn đá tự nhiên đã đầu tư dây chuyền sản xuất cát nghiền phục vụ cho nhu cầu tại chỗ. Đồng thời, cung cấp cho các địa phương khác không có nguồn đá để sản xuất cát nghiền. Đặc biệt, thị trường tiêu thụ lớn nhất vẫn là Hà Nội và TPHCM. Nhiều dây chuyền sản xuất cát nghiền hiện nay được đầu tư công nghệ thiết bị sản xuất thuộc loại tiên tiến, mức độ cơ giới hoá, tự động hoá cao, quy mô công suất khoảng từ 100.000 - 500.000 m3/năm. Mặc dù được khuyến khích nhưng thực tế, việc đưa cát nhân tạo sử dụng phổ biến trong xây dựng không dễ dàng. Các DN phản ánh, dù chất lượng cát nhân tạo được đánh giá là hạt đồng đều hơn, đảm bảo cường độ đá, không có tạp chất vì quá trình nghiền đã được sục rửa nhiều lần, giúp tiết kiệm xi măng và rút ngắn thời gian thi công, tăng tuổi thọ công trình. Cùng với chất lượng giá cát nhân tạo cũng khá cạnh tranh rẻ hơn rất nhiều so với cát tự nhiên. Hiện mỗi khối cát nhân tạo chỉ có giá từ 190.000 đến 200.000 đồng, trong khi cát tự nhiên hiện nay đang giao động ở mức 250.000 đến 300.000 đồng/1m3. Song, do chưa hiểu hết, người dân cho rằng cát nhân tạo được làm từ đá nghiền sẽ không tốt so với cát tự nhiên, nên việc sử dụng cát nhân tạo đang còn hạn chế. Vì vậy, cát nhân tạo vẫn chưa được dùng phổ biến mà hiện mới chỉ được sử dụng nhiều trong sản xuất bê tông và các công trình có sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Theo TS Thái Duy Sâm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam (VABM) tiềm năng của cát nhân tạo ở nước ta là rất lớn. Trong khi đó, cát nhân tạo đã được nghiên cứu và sản xuất, ứng dụng trong xây dựng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Với công nghệ ngày càng hiện đại, việc sản xuất cát nhân tạo đã được Bộ Xây dựng cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn kỹ thuật về xây dựng. Tuy nhiên, việc sử dụng cát nhân tạo trong các công trình xây dựng ở nước ta vẫn chưa được phổ biến nên các nhà đầu tư chưa mạnh dạn sản xuất. Điều này đến từ một số nguyên nhân như thói quen sử dụng cát tự nhiên lâu nay vẫn chưa thể bỏ được, trong khi đó khái niệm cát nhân tạo vẫn còn khá xa lạ. “Để thúc đẩy việc sản xuất và sử dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên dùng cho bê tông và vữa xây dựng, Nhà nước cần tăng cường nghiên cứu khoa học công nghệ để giải quyết khó khăn về kỹ thuật trong sản xuất và sử dụng cát nghiền. Việc nghiên cứu, sản xuất cát nhân tạo được xem là hướng đi phù hợp, đáp ứng nhu cầu về nguồn cung cho thị trường trong tương lai gần” - TS Sâm kiến nghị đồng thời cho rằng cần giải quyết "nút thắt" để đưa cát nhân tạo phổ biến rộng rãi hơn trong xây dựn thì vai trò của các cơ quan nhà nước là rất quan trọng, trước tiên, phải rà soát bổ sung, sửa đổi, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích có hiệu quả việc sản xuất và sử dụng cát nhân tạo như: Các chính sách ưu đãi về thuế, chuyển giao công nghệ, vốn vay… cho các DN đầu tư sản xuất và sử dụng cát nhân tạo. Thực tế giá cát nhân tạo hiện nay không ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ mà do thị hiếu, thói quen của người sử dụng. Để xây dựng dự án trạm nghiền cát nhân tạo tốn rất nhiều kinh phí, máy móc (khoảng 5 tỷ đồng, chưa tính hệ thống xử lý môi trường), trong khi nhu cầu sử dụng ít nên hiện nay doanh nghiệp không mấy mặn mà. Ngoài ra, chưa có cơ chế ưu đãi từ vốn vay, lãi suất cho doanh nghiệp cùng các chính sách khuyến khích khác để hạ giá thành sản phẩm và tăng tính cạnh tranh nên sản phẩm khó tiếp cận thị trường. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|