Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho hay, để người lao động (LĐ) tạm nghỉ việc không lương, mất việc làm nhận được hỗ trợ, hay doanh nghiệp (DN) được vay vốn ưu đãi để trả lương cho người LĐ đều không dễ do có quá nhiều quy định ràng buộc. Với người LĐ tạm nghỉ việc, mất việc làm, hay hỗ trợ đào tạo lại LĐ, DN phải lập danh sách và gửi xin xác nhận của bảo hiểm xã hội, DN phải không nợ bảo hiểm xã hội mới nhận được xác nhận này. Với gói vay ưu đãi để trả lương cho người LĐ, theo ông Hùng, DN buộc phải đạt 3 điều kiện là không nợ bảo hiểm xã hội, không nợ thuế, không nợ xấu, nhiều DN không dễ đạt các điều kiện này.
“Dịch bùng phát từ đầu năm 2020, đợt sau nặng hơn đợt trước, nhiều DN có các khoản nợ bảo hiểm, nợ thuế, thậm chí nợ xấu, đặc biệt với các DN vận tải hành khách. Điều kiện đặt ra như vậy cũng rất khó cho DN tiếp cận được, trong khi tiền hỗ trợ người LĐ hay gói vay cũng không phải cao”, ông Hùng nói. DN của ông có vài trăm LĐ thuộc diện phải tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không lương, DN lập danh sách gửi đi nhưng cũng không hy vọng mấy.
Với chính sách cho DN vay với lãi suất 0% để trả lương cho người LĐ, theo rà soát của Ngân hàng Chính sách xã hội, đến ngày 26/7, ngân hàng duyệt cho 39 đơn vị vay trên 45 tỷ đồng để trả lương trên 12.000 lao động. Tại Bắc Giang, đến ngày 27/7, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh này cấp khoản vay cho 4 DN 21 tỷ đồng để trả lương cho hơn 6.000 LĐ. Tại Bắc Ninh, ngày 27/7, 2 DN đầu tiên của tỉnh ký hợp đồng vay trên 16 tỷ đồng để trả lương cho trên 4.100 LĐ, còn 11 DN đang hoàn tất hồ sơ đề nghị vay trên 47 tỷ đồng.
Tiền bắt đầu tới tay người lao động
Về hỗ trợ trực tiếp cho người LĐ mất việc làm, chị Nguyễn Thị Hồng (trú phường Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, lâu nay chị chuyên lấy hoa quả từ chợ đầu mối đi bán dạo, cả tháng nay hàng rong bị cấm nên không ra khỏi nhà. Giờ chị chỉ sống lay lắt, hằng ngày đợi thông báo của tổ dân phố về đăng ký nhận hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 26 nghìn tỷ đồng.
Ông Lâm Xuân Phương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Ninh Bình, cho hay, tới ngày 28/7, đã rà soát được 223 hướng dẫn viên du lịch, hơn 9.300 LĐ tự do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; 240 trường hợp cách ly y tế (F0, F1, trong đó có 153 trẻ em); 245 người sử dụng LĐ thuộc diện hỗ trợ; hơn 1.800 người LĐ mất việc làm, nghỉ việc không lương. Các đơn vị của tỉnh Ninh Bình đang rà soát lại để báo cáo UBND tỉnh quyết định chi hỗ trợ.
Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội cho hay, đã kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH phối hợp các bộ, ngành, địa phương có hướng dẫn cụ thể để xử lý các vướng mắc trên.
Tới ngày 28/7, Lào Cai chi hỗ trợ cho 149 người thuộc diện cách ly y tế (F0, F1), 32 người hoạt động nghệ thuật và hướng dẫn viên du lịch. Yên Bái mới đang thực hiện thủ tục hỗ trợ cho 2 hướng dẫn viên du lịch, 32 người diện cách ly y tế (F1), 1 hộ kinh doanh. Thanh Hóa đã thống kê được 295 người hoạt động nghệ thuật và hướng dẫn viên du lịch mất việc làm… Các đơn vị đang rà soát cụ thể để báo cáo UBND tỉnh quyết định hỗ trợ. Cần Thơ đã chi hỗ trợ cho trên 5.800 người bán vé số lưu động với số tiền hơn 6,9 tỷ đồng, còn lại chưa chi do người LĐ trong khu vực phong tỏa phòng dịch; còn 176 người LĐ ngừng việc, hoãn hợp đồng đang đợi được phê duyệt.
Về vướng mắc trong triển khai ở địa phương, ông Từ Hoàng An, Phó GĐ Sở LĐ-TB&XH Cà Mau cho biết, địa phương đang vướng trong thống kê hỗ trợ hộ kinh doanh và tiền ăn cho người cách ly y tế. Theo quy định, hộ phải đăng ký kinh doanh, đóng thuế mới được hỗ trợ, nhưng thực tế nhiều hộ đăng ký kinh doanh, nhưng doanh thu hằng năm dưới 100 triệu đồng nên không đóng thuế, chỉ đóng phí theo tháng cho phường, xã, nên chưa đạt điều kiện hỗ trợ. Với các trường hợp điều trị COVID-19, tiền ăn của bệnh nhân do cơ sở y tế và người dân cùng chi trả, địa phương không biết chi hỗ trợ cho cơ sở y tế hay người bệnh.