Đảm bảo người bị thu hồi đất có điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ
Theo ông Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng: "Tại Điều 80 có quy định về thu hồi đất do vi phạm về pháp luật đất đai có nêu, đất không chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của luật này, mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn chiếm thì chúng ta thu hồi. Chỗ này cử tri và nhân dân cũng đề nghị không phân biệt đất có chuyển quyền hay đất không được phép chuyển quyền, đã là đất lấn chiếm thì chúng ta có trách nhiệm thu hồi khi để lấn chiếm".
Ông Quân cho rằng, đối với những dự án chậm tiến độ, đã được Nhà nước gia hạn 12 tháng, 24 tháng, cần xem xét, bổ sung chế tài cụ thể là trong thời hạn bao nhiêu tháng phải thực hiện xong, nếu không hoàn thành nhiệm vụ, cần phải thu hồi đất, để hạn chế tình trạng dự án treo nhiều năm.
Đại diện tỉnh Lào Cai, ông Nguyễn Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng băn khoăn: “Thu hồi đất do vi phạm pháp luật, ở đây, tại điểm b quy định người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất. Chúng ta xác định hành vi cố ý là rất khó. Chúng tôi đề nghị người có hành vi hủy hoại đất mà đã bị xử phạt hành chính mà tiếp tục vi phạm là thu hồi".
Trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định thời gian thông báo thu hồi đất 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp, tuy nhiên dựa trên thực tế, một số địa phương đề xuất rút ngắn bớt thời gian.
"Nhiều khi đối tượng thu hồi đất đôi khi có 2 loại đất là đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp. Người ta đã đồng ý, đồng thuận cùng nhóm đất nông nghiệp thì chúng ta có cần thiết theo đúng quy định 180 ngày không. Khi chúng tôi làm, cơ quan kiểm tra cũng có một số ý kiến, nhất là các dự án quốc gia trên địa bàn, tiến độ triển khai rất gấp, người ta lập tiến độ địa phương phải giải quyết. Người dân đồng thuận không kiện cáo nhưng khi thanh, kiểm tra thì vẫn bảo đối với đất nông nghiệp thì không đủ 90 ngày, đối với đất phi nông nghiệp thì không đủ 180 ngày", ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu chia sẻ thực tế.
Thu hồi đất thường gắn với công tác bồi thường, tái định cư. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có quy định việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Nhiều ý kiến cũng đề nghị Dự thảo Luật cần thể chế hóa rõ hơn các quy định tiêu chí thế nào là tốt hơn nơi ở cũ để các địa phương có căn cứ áp dụng.
Về phía TP Hà Nội, ngoài việc góp ý ở Điều 50 về điều kiện bán, mua tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hằng năm; Điều 140, 143 và 144 xoay quanh quy định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Hà Nội cũng đã đề cập tới quy định về điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất trong Dự thảo Luật.
Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 90 quy định điều kiện bồi thường cho hộ gia đình, cá nhân “hoặc có đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp” còn chưa rõ ràng, gây nhiều tranh cãi, khó áp dụng trong thực tiễn. Vì quy định điều kiện cấp giấy chứng nhận đối với trường hợp sử dụng đất không có giấy tờ đều gắn với điều kiện phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, các trường hợp Nhà nước thu hồi đất đều đã được quy hoạch cho các dự án, công trình (không còn đủ điều kiện cho cấp giấy chứng nhận nữa). Do đó, cần sửa đổi quy định này theo hướng: Có đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận theo quy định của Luật này (trừ điều kiện phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất) mà chưa được cấp.
Bài toán đặt ra là xác định đúng giá đất đai
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Lại Văn Hoàn kiến nghị về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tại khoản 5 Điều 60 quy định quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải thể hiện đến từng thửa đất. Tại khoản 7 Điều 65 yêu cầu khi lập kế hoạch sử dụng đất, các công trình, dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, diện tích để đấu giá quyền sử dụng đất phải xác định rõ vị trí, ranh giới, diện tích đến từng thửa đất trên bản đồ địa chính. Quy định này sẽ rất khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhất là với các công trình theo tuyến, việc điều chỉnh dự án thường xảy ra…
Cũng liên quan đến vấn đề giá đất, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng, tại điểm a, khoản 3, Điều 154, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bỏ phạm vi áp dụng là “đối với phần diện tích trong hạn mức”. Để đảm bảo tính công bằng đối với diện tích trong và ngoài hạn mức, ông Trần Anh Dũng đề nghị giữ nguyên như quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 114 Luật Đất đai năm 2013. Dẫn ví dụ thực tế tại Nam Định, khi được công nhận quyền sử dụng đất, thường có diện tích lớn hơn hạn mức, thì phần diện tích trong hạn mức được áp dụng theo bảng giá đất, phần vượt hạn mức áp dụng theo giá đất cụ thể; nếu theo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thì toàn bộ diện tích đó sẽ được áp dụng chung theo Bảng giá đất, dẫn đến sự mất công bằng đối với các trường hợp đã thực hiện theo Luật Đất đai 2013.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, Luật Đất đai có nhiều chính sách quan trọng, tuy nhiên, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của Nhà nước và người dân. Trong đó, Nhà nước làm tốt quy hoạch, tức phân bổ nguồn lực đất đai cho các lĩnh vực kinh tế, các địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong từng thời kỳ, đảm bảo sự phân bổ này bền vững cho kinh tế - xã hội, an ninh- quốc phòng và môi trường…
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, khi bộ luật đưa ra, giá đất phải sát giá thị trường, ông lưu ý, bài toán đặt ra là xác định đúng giá đất đai, trong đó, tập trung làm rõ làm sao để có chủ trương, phương pháp, thông tin dữ liệu đầu vào đúng.
Theo Phó Thủ tướng, mọi vấn đề xoay quanh giá đất, nhà nước - với vai trò chủ sở hữu đất đai thì phải thu hồi, định giá. Tuy nhiên, hiện có 2 hình thức là các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức có thể tự thỏa thuận hoặc thống nhất thỏa thuận giá rồi Nhà nước quyết định thu hồi; Nhà nước thu hồi.
“Những bất cập nếu có 2 mặt bằng về giá là gì trong khi Nhà nước phải chịu trách nhiệm đảm bảo công bằng xã hội, hài hòa các lợi ích cũng như các chính sách xã hội? Phải tạo ra thống nhất về giá, chính sách hỗ trợ đền bù tái định cư; từ đó điều chỉnh hài hòa lợi ích 3 bên, vùng này với vùng khác?”, Phó Thủ tướng nêu rõ.