5 tuyến buýt dừng hoạt động bao gồm các tuyến số: 10A, 10B, 14, 18, 44, 145. Đây là các tuyến buýt do Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, Công ty cổ phần Xe khách Hà Nội và Công ty cổ phần Xe điện Hà Nội quản lý, vận hành.
HPTC cho biết, đây là kết quả rà soát các tuyến buýt trong năm 2023 và cho kết quả các tuyến buýt này đang có mức trợ giá của thành phố trên 90%. “Trên cơ sở đồng thuận của các đơn vị vận tải, Sở Giao thông vận tải đã báo cáo UBND Thành phố phương án điều chỉnh mạng lưới tuyến xe buýt giai đoạn 1 và đã được UBND Thành phố chấp thuận”, đại diện HPTC thông báo.
Xe buýt có trợ giá hoạt động trên địa bàn Hà Nội. |
Sau khi dừng hoạt động các tuyến buýt, HPTC đưa ra hướng dẫn, từ 1/4 hành khách đang đi lại trên tuyến buýt bị dừng có thể di chuyển sang các tuyến lân cận, ví như buýt số 10A (Long Biên - Từ Sơn), số 10B (Long Biên - Trung Mầu) hành khách có thể sử dụng tuyến buýt số 54 (Long Biên - Bắc Ninh) và 42 (Giáp Bát - Đức Giang).
Tuyến buýt số 14 (Bờ Hồ - Cổ Nhuế), hành khách có thể sử dụng tuyến buýt số 45 (Khu đô thị Times City - Nam Thăng Long) và các tuyến khác trên mạng lưới để thực hiện chuyến đi.
Tuyến buýt số 18 (Đại học Kinh tế Quốc dân - Long Biên - Đại học Kinh tế Quốc dân), tuyến số 44 (Trần Khánh Dư - Bến xe Mỹ Đình) và tuyến số 145 (Trung tâm thương mại Big C Thăng Long - Công viên nước Hồ Tây) dừng hoạt động, hành khách có thể sử dụng rất nhiều tuyến buýt khác trên mạng lưới để di chuyển.
Với những trường hợp hành khách đã mua tem vé tháng của 5 tuyến buýt trên, nếu có nhu cầu đổi sang vé tháng 1 tuyến của tuyến khác, đổi sang vé tháng liên tuyến (bằng cách trả thêm phần chênh lệch giá vé) hoặc không có nhu cầu sử dụng vé tháng muốn được hoàn tiền có thể đến các điểm bán vé tháng để được hướng dẫn đổi vé hoặc hoàn tiền.
“Quyết định dừng hoạt động đối với 5 tuyến trên là một chủ trương lớn của Thành phố, là một bước để hướng tới tối ưu hóa mạng lưới tuyến, nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân”, đại diện HPTC thông tin.