Hải Dương hướng tới tạo tín chỉ carbon trong sản xuất lúa27/09/2024 - 15:29:00 Tỉnh Hải Dương hiện có hơn 53.000ha canh tác lúa. Việc hướng đến chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, tạo tín chỉ carbon trong sản xuất lúa sẽ góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu, đảm bảo tiết kiệm nguồn tài nguyên nước, gia tăng thêm giá trị và phát triển bên vững trong sản xuất lúa gạo của tỉnh.
Xã Tân Phong, huyện Ninh Giang được Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Công ty Green-carbon INC Nhật Bản triển khai thí điểm mô hình “Ứng dụng công nghệ tưới ướt khô xen kẽ trong canh tác lúa thích ứng biến đổi khí hậu” quy mô 1ha. Với quy trình canh tác áp dụng điều tiết nước tưới trên ruộng lúa có tên gọi “tưới ngập - khô” xen kẽ để giảm lượng nước được sử dụng trong canh tác lúa và tính toán chỉ số giảm phát thải khí mê-tan trong sản xuất lúa. Khí mê-tan phát thải giảm thông qua kỹ thuật điều tiết nước là cơ sở để phát hành tín chỉ carbon, từ đó, làm lợi trực tiếp cho nông dân thông qua số tín chỉ mà đạt được. Thông qua mô hình thí điểm này để nông dân biết thêm về quy trình canh tác mới và chính quyền địa phương có cơ sở quy vùng đảm bảo điều kiện mở rộng diện tích lúa hướng đến tạo tín chỉ carbon. Theo đánh gia của Công ty Feager Nhật Bản, chỉ tính riêng sản xuất lúa của Hải Dương, khi người nông dân thay đổi phương thức canh tác từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung quy mô lớn và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất xanh, sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ để giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp, thì mỗi ha sẽ thu được 5 tín chỉ carbon. Với hơn 100.000ha sản xuất lúa/năm Hải Dương có thể hướng tới tham gia thị trường tín chỉ carbon và Công ty Feager Nhật Bản sẵn sàng hợp tác thực hiện thí điểm triển khai các dự án giảm phát thải carbon trên các cánh đồng lúa của Hải Dương. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, Hải Dương cần tích tụ ruộng, sản xuất theo vùng tập trung quy mô lớn. Để sản xuất nông nghiệp hướng đến tín chỉ carbon, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp hỗ trợ theo Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, giá trị kinh tế cao và đẩy mạnh triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2020 - 2025”. Đồng thời, khuyến khích nông dân mượn ruộng, thuê ruộng để quy vùng sản xuất tập trung và đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phát thải carbon thấp, hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển nông nghiệp bền vững.
Trần Hùng
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|