Hải Dương và cách tạo thành trì phòng dịch không tốn kém31/12/2021 - 19:32:00 Không nhận tiền từ ngân sách, 11 nghìn tổ Covid-19, với 25 nghìn người tạo thành trì vững chắc để Hải Dương phòng dịch lâu dài.
Mỗi người là chiến sỹ Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng, mỗi lần nhắc đến tinh thần toàn dân chống dịch ở địa phương đều tỏ rõ tự hào về mạng lưới Tổ Covid-19 đông đảo, nhiệt tâm. Ở đó quần chúng là những chiến sỹ dũng cảm thật sự. 4 lần dịch là 4 lần gây thiệt hại lớn về kinh tế. Hải Dương đã trải qua nhiều đợt dịch lớn. Đỉnh điểm là lần dịch thứ 3. Với lần thứ 4 này, tỉnh cũng có hơn 100 ca nhiễm. Từ thực tiễn, Hải Dương đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý giá là tính chủ động. Chủ động phòng dịch để giảm thiểu tối đa tình huống phải dập dịch.
Trong đợt dịch thứ 3, lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương từng báo cáo tại cuộc họp trực tiếp với Trung ương về những thiệt hại nặng nề, khi kinh tế ngưng trệ để chống dịch. Theo đó, mỗi ngày tỉnh chống dịch, thiệt hại hơn 1 nghìn tỷ đồng, thậm chí nhiều hơn thế nếu xảy ra dịch trên diện rộng. “Một “cuộc chiến tranh nhân dân” thực sự cam go mà chúng ta buộc phải vươn lên ở tình thế chủ động. Như Thủ tướng mới đây đã nói virus SARS-CoV-2 là kẻ thù vô hình, giấu mặt. Mình không biết nó ở đâu để chống, cho nên cách tốt nhất là chủ động thực hiện các giải pháp phòng dịch để nhằm giảm thiểu nguy cơ thấp nhất trong việc để dịch bệnh lây lan, gây tốn kém vô lường. Hải Dương đã sớm phòng dịch từ xa, hướng tới kịch bản chống dịch hiệu quả và ít tốn kém”, ông Thăng nói. 5 rõ để phòng xa, tránh sớm Chủ động đầu tiên là công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Địa phương này thườngxuyên tổ chức các cuộc họp nhanh để kịp thời nghe báo cáo từ cơ sở về diễn biến chi tiết của dịch, kịp thời chỉ đạo nhanh, phù hợp với từng kịch bản, tình huống cụ thể. Khi xảy ra ca nhiễm, chính quyền Hải Dương giải quyết ngay được công tác xét nghiệm, truy vết, phong toả cách ly và an ninh lương thực. Tỉnh này đã thường xuyên tập huấn cho các lãnh đạo, ban chỉ đạo chống dịch, thành phần Tổ Covid-19 cộng đồng, lực lượng y bác sỹ… để luôn sẵn sàng nếu xảy ra dịch thì cần làm gì để phòng dịch hiệu quả, dập dịch thành công mà vẫn giao quyền chủ động cho cơ sở. Hải Dương lâu nay đã chủ động giao rõ trách nhiệm cho người đứng đầu đặc biệt là Chủ tịch UBND huyện và xã. Địa bàn nào thực hiện các biện pháp phòng dịch kém, để dịch lây lan thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. “Tỉnh chỉ ra nguyên tắc chung, còn từng biện pháp phòng dịch cụ thể, phù hợp thì giao cho người đứng đầu từng huyện, từng xã chịu trách nhiệm theo tinh thần 5 rõ”, ông Thăng cho hay.
Đợt dịch thứ 3, bùng lên ở Công ty Poyun, Hải Dương đã rút ra ngay bài học đắt giá đó là phải chủ động phòng dịch trong khu công nghiệp. Từ đây, các Tổ an toàn Covid-19 tại các nhà máy đã được ra đời. Trên zalo mỗi tổ quản lý 20 người. Phân xưởng liên kết với phân xưởng, nhà máy với nhà máy và khu công nghiệp, cụm công nghiệp gắn kết với nhau chuyển thông tin mỗi ngày 2 lần về Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 của tỉnh. Một công nhân vào bệnh viện thăm người thân hay đi dự đám ma, đám cưới, hoặc có biểu hiện ho sốt đều được thông tin kịp thời, xét nghiệm nhanh là nhờ các tổ chức này. Nhiều nhà máy mới đây cũng đã có ca nhiễm nhưng do Hải Dương có kế hoạch phòng ngừa tốt nên F0, F1 đã lập tức được bóc tách. Hiện nay, phòng dịch tốt nhất là vắc xin. Miễn dịch cộng đồng đang là quyết tâm mà Hải Dương mong muốn để chủ động cao hơn trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh. 11 nghìn Tổ Covid-19 cộng đồng như camera di động Theo Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Xuân Thăng, đến nay, Hải Dương đã thành lập được hơn 11 nghìn Tổ Covid-19 cộng đồng, với hơn 25 nghìn người tham gia. Điều đáng nói là người tham gia vào tổ Covid-19 không nhận 1 đồng thù lao nào từ ngân sách. Khi dịch xảy ra ở những giai đoạn cam go nhất họ tình nguyện tham gia chung sức với chính quyền. Mới đây, thấu hiểu sự vất vả của họ, tỉnh đã yêu cầu các địa phương, đơn vị hỗ trợ kinh phí cho các Tổ Covid-19 cộng đồng bằng nguồn xã hội hoá. Ngân sách địa phương chỉ dùng mua trang thiết bị bảo hộ y tế và 1 cuốn sổ tay phát cho các tổ. Hiện nay, các thành viên của Tổ Covid-19 đều đã được ưu tiên tiêm vắc xin. Thông qua Tổ Covid-19 này, từ ngày 27/1/2021 đến nay, Hải Dương đã lấy mẫu tất cả các trường hợp ho sốt, người đi từ tỉnh đang có dịch về để xét nghiệm, lọc ra khỏi cộng đồng những nguy cơ.
Theo thống kê của ngành y tế, khi bắt đầu triển khai, ở Hải Dương trung bình 10 vạn dân có 50 đến 70 người ho sốt. Về sau số lượng này giảm dần. Mỗi ngày có hơn 25 nghìn người đang để ý từng nhà, gõ cửa từng hộ để kịp thời phát hiện ho sốt, người đi từ địa phương khác về. Và hơn 25 nghìn người này cũng đang giúp Hải Dương “canh chừng” việc cách ly các F1,F2, F3. Mỗi tổ Covid cộng đồng gồm 2 -3 người là cán bộ tổ, thôn, khu phố, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, tình nguyện viên tại khu dân cư, quản lý 40 đến 50 hộ gia đình. Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng nhận xét: “Tổ Covid-19 cộng đồng ở Hải Dương thực sự là cầu nối chủ động về công tác phòng chống dịch của chính quyền, ngành y tế đến với nhân dân, giúp cho người dân yên tâm, tin tưởng và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch. Đây là cách phòng dịch an toàn nhất mà chính quần chúng nhân dân đã tạo dựng lên bằng sức mạnh tập thể để Hải Dương đẩy lùi 4 lần dịch bệnh vừa qua”. Hải Dương cũng nhấn mạnh vai trò phòng dịch của các chốt kiểm soát. Tại các điểm giáp ranh với địa phương khác, điểm đầu quốc lộ, lực lượng công an, quân đội, y tế, thanh niên tình nguyện…đang ngày đêm không quản ngại mưa nắng tạo hàng rào bao bọc địa bàn trước nguy cơ xâm lấn dịch từ bên ngoài. Việc kiểm soát này, giúp doanh nghiệp, nhân dân trong tỉnh yên tâm sản xuất, sinh sống. Theo VietnamNet.vn
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|