Giá vật liệu xây dựng và áp lực trả nợ đè nặng doanh nghiệp
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), từ đầu năm đến nay, giá thép trên thị trường toàn cầu cũng như ở Việt Nam đang có nhiều diễn biến phức tạp. Hiện giá thép đã có chiều hướng giảm so với đỉnh điểm nhưng vẫn cao hơn nhiều so với thời điểm cuối năm 2020 tới 40%.
Không riêng gì giá thép, trong năm 2021, các nguyên liệu đầu vào của ngành xây dựng cũng liên tục ghi nhận tăng giá. Cụ thể, giá cát, đá tăng từ 15 - 20%, gạch xây dựng tăng 10%, xi măng, gạch ốp lát, bê tông tăng 5 - 10%...
Việc nhiều vật liệu xây dựng cùng tăng giá khiến giá thành xây dựng bị đẩy lên quá cao, buộc chủ đầu tư phải đứng giữa 2 lựa chọn. Đó là tiếp tục thi công để về đích đúng tiến độ, chấp nhận hao hụt lợi nhuận; hoặc thi công cầm chừng, thậm chí là ngừng thi công một thời gian để tránh nguy cơ thua lỗ. Nhiều chuyên gia cũng đánh giá việc tăng giá vật liệu xây dựng trong thời gian qua đã ít nhiều ảnh hưởng đến các dự án bất động sản.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết có nhiều chi phí hình thành nên giá thành của một dự án nhà ở cao tầng. Trong đó, chi phí lãi vay trên dưới 10%, chi phí đất cho dự án nhà cao tầng chiếm 15 - 20%, chi phí xây dựng lớn nhất chiếm 60% và các chi phí không tên đặc thù của ngành địa ốc. Trong chi phí xây dựng, sắt thép - vật liệu then chốt chiếm khoảng trên dưới 30%. Vì vậy, khi giá thép tăng sẽ đẩy giá nhà tăng cao.
Việc tăng giá này cũng tùy thuộc vào chủ đầu tư. Nếu chủ đầu tư chấp nhận biến động giá cả thị trường thì chủ đầu tư phải bù vào khoản giá vật tư xây dựng tăng và giảm biên lợi nhuận. Ngược lại, khi chủ đầu tư không chấp nhận, nhà thầu phải gánh toàn bộ chi phí, ắt hẳn sản phẩm bán ra sẽ đội giá tăng cao.
Bên cạnh giá vật liệu xây dựng tăng, áp lực trả nợ ngân hàng cũng đang đè nặng các chủ đầu tư dự án bất động sản. Gần đây, một số ngân hàng đưa ra các gói tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng, kinh doanh bất động sản lại là một trong những ngành không được hưởng hỗ trợ do được xem là lĩnh vực không thiết yếu, khiến các chủ đầu tư đã khó càng thêm khó.
“Có không ít chủ đầu tư đang phải chạy đôn chạy đáo vay mượn, thậm chí vay nóng để trả lãi ngân hàng, nhất là các khoản vay tín dụng đến hạn, để tránh bị đưa vào danh sách nợ xấu, dẫn tới khó tiếp cận vốn vay ngân hàng sau này”, ông Châu nói.
Thị trường cuối năm sẽ khó sôi động như trước dịch
Những tháng cuối năm thường là thời điểm kinh doanh sôi động nhất trong năm. Tuy nhiên, năm nay diễn biến phức tạp của dịch bệnh đang khiến viễn cảnh ra hàng, giao dịch, chốt lời trên thị trường bất động sản trở nên mông lung.
Báo cáo của Công ty cổ phần DKRA Việt Nam cho thấy từ cuối tháng 5.2021, hầu hết hoạt động kinh tế - xã hội tại TP.HCM đều tạm dừng do phải thực hiện giãn cách xã hội. Thị trường bất động sản cũng theo đó mà gần như bất động trong nhiều tháng qua.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và phát triển thị trường của DKRA Việt Nam cho rằng khi những biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng và gỡ bỏ, các sản phẩm bất động sản sẽ được đẩy mạnh chào bán trở lại. Thế nhưng, thị trường chủ yếu là các sản phẩm có sẵn từ trước, bị gián đoạn do giãn cách xã hội, chứ không nhiều sản phẩm mới, do đó thị trường sẽ khó có thể sôi động như trước khi có dịch bệnh.
Về tổng thể, thị trường năm 2021 khả năng sẽ tiếp tục đi ngang hoặc suy giảm nhẹ so với năm 2020 cả về nguồn cung và sức tiêu thụ. Các dự án ra hàng vào cuối năm nay và nửa đầu năm 2022 có thể sẽ chịu áp lực tăng giá do giá vật liệu xây dựng tăng cao, yếu tố lạm phát cũng như nguồn cung mới không được dồi dào.
Ông Hoàng cũng đánh giá việc giảm giá bất động sản là điều rất khó xảy ra.