Hàng trăm xe vi phạm bị cháy sẽ được đền bù ra sao?07/06/2022 - 15:48:00 Hậu quả của một trong những vụ cháy bãi giữ xe vi phạm lớn nhất từng xảy ra ở TP HCM, khiến nhiều chủ phương tiện hiện đang "đứng ngồi không yên" vì không biết sẽ được đền bù, giải quyết ra sao?
Ngày 7/6, lực lượng chức năng vẫn tiếp tục thống kê, phân loại phương tiện bị thiệt hại trong vụ cháy bãi giữ phương tiện vi phạm giao thông ở TP Thủ Đức (TP HCM). Mặc dù không gây thiệt hại về người nhưng ghi nhận ban đầu, số lượng tài sản bị hủy hoại là rất lớn với khoảng 300 xe máy và 4 chiếc ô-tô bị thiêu rụi cùng một số phương tiện bị ảnh hưởng. Được biết, khi vụ cháy xảy ra, bãi giữ xe này đang chứa 2.244 phương tiện xe gắn máy và 10 chiếc ô-tô. Trao đổi với báo chí, luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết nghĩa vụ đền bù thiệt hại cho chủ nhân những phương tiện bị hư hỏng ở vụ cháy được pháp luật quy định rất rõ ràng. Cụ thể, theo Điều 9 Nghị định 115/2013 thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu phương tiện vi phạm có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu. Trong trường hợp tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Người trực tiếp quản lý, bảo quản tang vật và người ra quyết định tạm giữ, tịch thu về việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ngoài ra, theo Nghị định 31/2020 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2013) cũng quy định về điều kiện đối với nơi tạm giữ là nhà, kho, bãi phải bảo đảm an toàn, an ninh, phương tiện ở ngoài trời thì phải bố trí mái che hoặc có các biện pháp phòng, chống mưa, nắng,... Cũng theo luật sư Tuấn, trong vụ việc cháy bãi giữ xe ở TP Thủ Đức thì Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC08) Công an TP.HCM phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các chủ xe theo nguyên tắc về bồi thường thiệt hại của Bộ luật Dân sự năm 2015. Để được đền bù, chủ sở hữu xe cần có biên bản tạm giữ xe vi phạm, tình trạng xe, đời xe để xác định giá trị tài sản bị thiệt hại. Nếu không thỏa thuận được mức đền bù thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện ra tòa án để giải quyết theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, luật sư Tuấn cũng phân tích thêm, vụ cháy này là rủi ro ngoài ý muốn (khách quan) và cần tìm hiểu nguyên nhân của vụ cháy. Nếu đây được xác định là do có người phá hoại thì cần có quy trình làm rõ để yêu cầu người phá hoại bồi thường. Ngoài ra, nếu các phương tiện bị tạm giữ này có tham gia bảo hiểm dân sự. Khi bị hư hỏng, cháy thì chủ xe cũng có thể yêu cầu các công ty bảo hiểm khắc phục, đền bù theo quy định và hợp đồng đã ký kết trước khi vi phạm. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|