Hậu quả khôn lường từ rượu rởm03/02/2023 - 08:51:00 Trước số vụ ngộ độc rượu có chiều hướng gia tăng, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có văn bản đề nghị các địa phương phối hợp với các đơn vị chức năng của ngành công thương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu...
Hệ lụy khó lường Dịp Tết vừa qua, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai liên tiếp cấp cứu nhiều trường hợp ngộ độc rượu rất nguy kịch, trong đó có không ít ca ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp methanol và ngộ độc rượu ngâm. Một số trường hợp ngộ độc rượu cấp tính, hàm lượng rượu trong máu cao gấp nhiều lần cho phép. Đặc biệt lo ngại, một số bệnh nhân sau bị hôn mê sâu, tổn thương não rất nặng nề, suy thận cấp, hạ đường huyết, xuất huyết tiêu hóa, tiêu cơ vân... sau khi uống rượu. Mới đây nhất là 3 trường hợp ở Thái Bình, bị ngộ độc nặng sau bữa tiệc gặp mặt đầu xuân, được đưa tới cấp cứu trong tình trạng hôn mê, đồng tử giãn. Trong đó, bệnh nhân N.V.M., nam, (49 tuổi) bị toan chuyển hóa nặng đến mức không đo được chỉ số, nồng độ methanol trong máu tới 234 mg/dl (ngưỡng rất cao). Dù điều trị tích cực, nhưng sau gần 5 ngày bệnh nhân vẫn hôn mê, phải đặt ống nội khí quản, lọc máu liên tục. Theo người nhà bệnh nhân, sau khi uống rượu, ông M. kêu đau mỏi người, đau bụng, đau đầu, đi lại khó khăn nên được người nhà đưa vào bệnh viện tỉnh cấp cứu. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Kết quả xét nghiệm mẫu rượu bệnh nhân uống cho thấy đây là rượu pha cồn công nghiệp. Một trường hợp khác, cũng nhập viện trong những ngày cuối tháng 1/2023. Bệnh nhân 30 tuổi, ở Bắc Ninh vào nhập viện trong tình trạng khá nặng. Theo đó, người này sau khi uống rượu đã bị nôn nhiều, ngày hôm sau nói ngọng, yếu tay. Hơn 1 ngày sau được đưa đến Trung tâm chống độc, kết quả chụp CT não thì phát hiện nhồi máu não cả 2 bên (tắc mạch máu não). Sau mấy ngày điều trị, bệnh nhân hiện vẫn còn nói ngọng, liệt một bên. Một bệnh nhân khác là anh N.C.K. (46 tuổi, Vĩnh Phúc), có tiền sử lạm dụng rượu. Theo người nhà bệnh nhân, chiều 28/1, gia đình phát hiện anh này uống nhầm cồn 90 độ pha loãng, sau đó nôn nhiều, ý thức lơ mơ, được người nhà đưa tới Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc cấp cứu. Bệnh nhân được đặt nội khí quản, lọc máu, sau đó chuyển lên Trung tâm chống độc trong tình trạng hôn mê, nguy kịch. Mặc dù được các bác sĩ hồi sức cấp cứu, song bệnh nhân đã không qua khỏi. Theo khuyến cáo của bác sĩ, rượu methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, nên không thể phân biệt được. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu nên dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, khoảng 1-2 ngày sau bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa, co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch, thậm chí tử vong. Giám sát, truy nguồn gốc rượu Trước tình trạng này, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn đề nghị sở y tế các địa phương, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, TP Đà Nẵng và tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai, tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ ngộ độc rượu, ngộ độc methanol, nhất là với các người có tiền sử nghiện rượu; tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời để tránh các diễn biến xấu đối với sức khỏe bệnh nhân. Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị các địa phương phối hợp với các đơn vị chức năng của ngành Công thương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, đặc biệt là các cơ sở nấu rượu thủ công; ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng đưa ra lưu thông trên thị trường. Các đơn vị tăng cường thông tin, truyền thông và hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, không lạm dụng rượu và bảo đảm an toàn khi lựa chọn, sử dụng rượu; tuyệt đối không sử dụng các loại động, thực vật lạ, không rõ chủng loại, nguồn gốc để ngâm rượu uống, không uống rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không có nhãn mác bán trôi nổi trên thị trường. Theo Cục An toàn thực phẩm, qua báo cáo của Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) và khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện đa khoa một số tỉnh/thành phố, thời gian gần đây ghi nhận nhiều trường hợp phải cấp cứu có liên quan đến việc sử dụng rượu không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có hàm lượng methanol cao, trong đó đã có ca tử vong. Riêng Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), dịp tết Nguyên đán đã tiếp nhận khoảng 30 trường hợp ngộ độc, với nhiều trường hợp ngộ độc rượu cấp tính, hàm lượng rượu trong máu cao gấp nhiều lần cho phép. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|