Thông báo đưa ra ngày 25/4 của Hải quân Indonesia làm tiêu tan hy vọng của hàng chục gia đình đã cầu nguyện cho một phép màu sau khi các quan chức hải quân trước đó một ngày để ngỏ khả năng có thể có người sống sót trong thảm họa tàu ngầm đầu tiên của đất nước vạn đảo.
Tư lệnh quân đội Indonesia, Đại tướng Hadi Tjahjanto và Tư lệnh hải quân Indonesia, Đô đốc Yudo Margono chiều 25/4 thông báo đã xác định được vị trí các mảnh vỡ của tàu ngầm KRI Nanggala-402 ở đáy biển ngoài khơi đảo Bali. Toàn bộ 53 thành viên thủy thủ đoàn đã thiệt mạng. Theo ông Yudo, con tàu 44 tuổi này đã vỡ thành 3 phần.
Tàu KRI Nanggala-402 mất tích hôm 21/4 trong một cuộc tập trận phóng ngư lôi. Xác tàu được tìm thấy sau vài ngày nhờ triển khai các công nghệ định vị tối tân.
Đại tướng Hadi Tjahjanto cho biết thông qua hình ảnh chụp được từ tàu hỗ trợ hải dương học (BHO), lực lượng Hải quân Indonesia đã nhìn thấy các bộ phận của tàu ngầm KRI Nanggala 402 bao gồm thân tàu, đuôi tàu cũng như các bánh lái ngang và dọc tách rời nhau. Như vậy, tàu đã bị vỡ ra ít nhất thành 3 phần.
Hải quân Indonesia cũng đã chụp được hình ảnh mỏ neo cùng với bộ quần áo cứu hộ đã được lấy ra khỏi hộp "như thể nó sắp được mặc”.
Tướng Tjahjanto cho biết một robot dưới nước trang bị camera và được triển khai bởi tàu MV Swift Rescue của Singapore đã cung cấp hình ảnh về xác tàu, trong khi tàu KRI Rigel của Indonesia đã rà quét khu vực nghi tàu chìm bằng cách sử dụng sonar đa tia và từ kế.
Ông Tjahjanto nói: “Dựa trên bằng chứng xác thực này, chúng tôi có thể kết luận rằng tàu Nanggala 402 đã chìm và tất cả các thuyền viên đều đã tử vong”.
“Do đó, với tư cách là chỉ huy quân sự, tôi tuyên bố 53 thành viên thủy thủ đoàn của Nanggala đã chết. Những người lính giỏi nhất đã tử nạn trong khi thực hiện nhiệm vụ của họ ở vùng biển phía bắc Bali. Thay mặt toàn thể quân đội, tôi gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình các liệt sĩ”, Tướng Tjahjanto nói.
Trong số những vật được thu hồi trước đó từ tàu Nanggala-402 có một phần của hệ thống ngư lôi và một lọ dầu mỡ dùng để bôi trơn các kính tiềm vọng. Lực lượng tìm kiếm cũng phát hiện một tấm thảm cầu nguyện thường được sử dụng ở Indonesia, quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới.
Bên cạnh các lực lượng trong nước, một số quốc gia như Australia, Mỹ, Singapore và Malaysia đã hỗ trợ Indonesia trong việc tìm kiếm tàu ngầm.
Tàu ngầm KRI Nanggala-402 nặng 1.395 tấn, do Đức chế tạo vào năm 1977, được đưa vào phục vụ trong Hải quân Indonesia từ năm 1981. Con tàu từng trải qua một cuộc duy tu kéo dài 2 năm tại Hàn Quốc, hoàn tất năm 2012.
Indonesia hiện đang sở hữu hạm đội 5 tàu ngầm Type 209 do Đức chế tạo và đã lên kế hoạch triển khai ít nhất 8 chiếc vào năm 2024.
Những năm gần đây, Indonesia, quần đảo gồm 17.000 hòn đảo lớn nhỏ, đã đối mặt với những thách thức hàng hải ngày càng gia tăng, trong đó có một loạt sự cố liên quan đến các tàu Trung Quốc ở gần quần đảo Natuna.