Đến nay, đình Tứ Mỹ (thôn Đình, xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), vẫn còn nguyên vẹn. Nơi đây, vào tháng 6-1930, chi bộ Đảng Tứ Mỹ được thành lập do đồng chí Trần Bình làm Bí thư. Dưới sự chỉ đạo của Chi bộ Tứ Mỹ, các tổ chức Nông hội đỏ, Cứu tế đỏ, Tự vệ đỏ... nhanh chóng được thành lập. Bí thư Trần Bình đứng ra chỉ đạo tập hợp lực lượng quần chúng, lấy Đội Tự vệ đỏ làm đơn vị xung kích. Rạng sáng ngày 22-9-1930, hơn 2.000 người dân thôn Tứ Mỹ (nay là thôn Đình) và các làng, xã lân cận tập trung tại đình Tứ Mỹ. Từ đây, quần chúng theo đường 8 tiến về huyện lỵ Phố Châu, đoàn người giương cao cờ đỏ, hô vang khẩu hiệu: Đả đảo thực dân Pháp, Nam triều quan lại, giảm thuế thân, thuế ruộng, bãi bỏ thuế chợ thuế đò. Trước sức mạnh của đoàn biểu tình, tri huyện Đặng Văn Oánh sợ hãi bỏ trốn, bộ máy chính quyền địch từ huyện đến xã hầu như tan rã.
Đình Tứ Mỹ ở xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: SƠN BÌNH |
Không chỉ ở huyện Hương Sơn, từ tháng 8-1930 đến tháng 6-1931, tại Nghệ An và Hà Tĩnh đã có hơn 400 Đội Tự vệ đỏ được thành lập, làm nòng cốt trong hàng nghìn cuộc đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang chống chính quyền thực dân, phong kiến, với sự tham gia của hàng trăm nghìn quần chúng. Tiêu biểu như tại huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), đầu năm 1931, có hơn 20 cuộc biểu tình, thị uy diễn ra suốt ngày đêm, trong đó có nhiều cuộc vây đồn binh, phục kích bọn lính về làng càn quét. Kết quả bộ máy hào lý ở 72 làng trong tổng số 90 làng ở huyện bị tan rã. Dưới sự lãnh đạo của các chi bộ đảng, chính quyền Xô viết đã được thành lập trong 70% số làng của 7 tổng trong huyện trong đó Can Lộc là huyện có nhiều làng Xô viết nhất ở Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ.
Dưới dự lãnh đạo của Đảng, lấy Đội Tự vệ đỏ làm nòng cốt, quần chúng nhân dân đi rải truyền đơn, tổ chức bãi công, biểu tình đòi giảm sưu, thuế rồi chuyển sang bạo động vũ trang, bao vây đồn địch, phục kích ngăn chặn các cuộc tuần tiễu, trừng trị những tên tay sai gian ác, đốt phá huyện đường, phá nhà lao... Trước sự sụp đổ của chính quyền thực dân và phong kiến ở Nghệ Tĩnh, các chi bộ đảng chỉ đạo lực lượng Tự vệ đỏ, Nông hội đỏ đã đứng ra quản lý và điều hành mọi hoạt động trong làng xã. Lực lượng Tự vệ đỏ vừa bảo vệ chính quyền Xô viết, vừa tuyên truyền, vận động, cổ vũ nhân dân thực hiện các chính sách mới, vừa đấu tranh chống các âm mưu, thủ đoạn của địch.
Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Ảnh minh họa |
Điểm nổi bật trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh chính là Đảng ta đã chỉ đạo và tổ chức đấu tranh địch vận nhằm phân hóa kẻ thù, vận động binh lính trong hàng ngũ địch và cả lính lê dương ủng hộ cách mạng. Tháng 10-1930, khi Trung ương Đảng ban hành nghị quyết về tăng cường công tác vận động binh lính trong hàng ngũ địch, công tác binh vận đã có những hoạt động khá rõ nét. Tháng 1-1931, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra thông cáo gửi các xứ ủy về việc chống chính sách khủng bố trắng của địch, nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác vận động binh lính địch. Theo đó, Ban Binh vận ở Nghệ An và Hà Tĩnh đã tích cực vận động binh lính địch bằng nhiều hình thức: Rải truyền đơn, dán khẩu hiệu, tuyên truyền miệng... để hạn chế thấp nhất thiệt hại do hành động khủng bố của thực dân Pháp và tay sai. Với phương thức này, tại Nghệ An, ta đã xây dựng được một chi bộ cộng sản trong đơn vị lính lê dương đóng tại Vinh; còn ở Hà Tĩnh cũng xây dựng được hai chi bộ Đảng trong lính khố xanh.
Xô viết Nghệ Tĩnh là sự cáo chung của các phong trào yêu nước theo khuynh hướng cải lương, cầu ngoại hoặc mang cốt cách phong kiến kéo dài trong nhiều thập niên trước. Từ khi Đảng ra đời, với sự đường lối, sự chỉ đạo đúng đắn đã khai mở nghệ thuật tập hợp lực lượng, tổ chức, chỉ đạo đấu tranh cách mạng bài bản, hệ thống. Đây là tiền đề để Đảng ta vận dụng nghệ thuật này trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
SƠN BÌNH