Không chỉ vậy, nhiều hội, nhóm bắt đầu mời chào, kêu gọi nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán, hô hào mua vào một số mã "siêu cổ phiếu".

Nhà đầu tư trở lại

Kết thúc phiên giao dịch ngày 7-6, chỉ số VN-Index tiếp tục ghi nhận phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp khi đóng cửa ở mức 1.109,54 điểm, tăng 1,23 điểm so với phiên trước. Thanh khoản trên sàn HoSE bùng nổ khi vượt 18.000 tỉ đồng, còn nếu tính chung cả 3 sàn giao dịch thì thanh khoản đạt hơn 20.000 tỉ đồng. Nhiều cổ phiếu bất động sản tăng kịch trần như NVL, DLG... hoặc tăng mạnh như HBC, FCN, LDG...

Hô hào mua cổ phiếu: Cảnh giác! - Ảnh 1.

Nhà đầu tư cá nhân cần cẩn trọng trước thông tin mời gọi tham gia hội, nhóm chứng khoán và nên tham khảo tư vấn từ các công ty chứng khoán hoạt động hợp pháp.Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đáng chú ý, số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cho thấy trong 4 tháng qua, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán được mở mới lần đầu đã vượt con số 100.000. Điều này phản ánh sự quan tâm của nhà đầu tư cá nhân đối với thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu tích cực trở lại.

Trong bối cảnh này, tình trạng nhà đầu tư nhận được cuộc gọi mời tham gia hội, nhóm đầu tư chứng khoán, lựa chọn "siêu cổ phiếu"... tái xuất rầm rộ. Chị Minh Khánh (ngụ quận 1, TP HCM), một nhà đầu tư chứng khoán, phản ánh gần đây chị liên tục nhận được cuộc gọi mời tham gia các nhóm đầu tư, mời nhận tài liệu đầu tư chứng khoán miễn phí hoặc vào nhóm để được khuyến nghị các mã cổ phiếu "siêu" tiềm năng.

Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày gần đây, thị trường lan truyền thông tin một công ty chứng khoán sẽ phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư là tổ chức nước ngoài với giá 29.000 đồng/cổ phiếu. Thị giá cổ phiếu này trong phiên giao dịch ngày 6-6 bất ngờ tăng từ quanh mức 18.000 đồng/cổ phiếu lên 19.250 đồng/cổ phiếu. Hay như thông tin về việc một tập đoàn lớn trong ngành thép sẽ phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư là tổ chức nước ngoài đã khiến thị giá cổ phiếu này tăng mạnh, thậm chí kéo cả dòng thép tăng giá. Đáng nói là theo nhiều nhân viên tư vấn, những thông tin này hầu như không kiểm chứng được độ chính xác.

Chị Thu Huyền, nhân viên tư vấn của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho biết có thực tế là nhà đầu tư mua cổ phiếu với giá thấp rồi kêu gọi số lượng lớn nhà đầu tư khác ở các hội, nhóm mua vào để thổi giá lên. Nếu nhà đầu tư nhỏ lẻ không tỉnh táo sẽ rất dễ mắc bẫy lừa đảo. "Nhà đầu tư nên tìm đến những công ty chứng khoán uy tín, những môi giới có kiến thức và kinh nghiệm để nhờ hỗ trợ. Như vậy sẽ an toàn hơn là đi nghe ngóng thông tin ở các hội, nhóm hoặc trang cộng đồng không được kiểm chứng" - chị Thu Huyền khuyến cáo.

Mạo danh công ty chứng khoán để lừa đảo

Một nhà đầu tư đang có tài khoản tại Công ty Chứng khoán VPS cho biết vừa nhận được tin nhắn của nhân viên tư vấn hướng dẫn tải ứng dụng (app) lạ và nộp tiền vào. Cảnh giác trước nguy cơ lừa đảo, nhà đầu tư này không làm theo. Trước đó, môi giới của VPS đã gửi vào nhóm tư vấn có hơn 500 thành viên thông tin cảnh báo tình trạng nhiều công ty đầu tư chứng khoán quốc tế, ngoại hối giả danh VPS, gọi điện mời đầu tư với lời giới thiệu "có cánh": "Giao dịch mua bán trong ngày". VPS khẳng định đây là thủ đoạn lừa đảo vì hiện tại, các công ty chứng khoán tại Việt Nam chưa triển khai giao dịch T+0.

Công ty Chứng khoán VNDirect cũng vừa cảnh báo hàng loạt thủ đoạn lừa đảo, mạo danh công ty này để chiếm đoạt tài khoản, tiền của nhà đầu tư. Theo đó, nhiều cá nhân gọi điện đến khách hàng và giới thiệu là "nhân viên của Công ty Chứng khoán VNDirect" rồi mời nhà đầu tư tham gia các hội, nhóm về chứng khoán trên mạng xã hội Zalo. Tương tự, Công ty Chứng khoán MBS cũng lưu ý nhà đầu tư cảnh giác khi có đối tượng mạo danh là nhân viên công ty chứng khoán mời chào tham gia các khóa học về chứng khoán.

Để hạn chế tình trạng trên, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset, góp ý cần nhanh chóng đưa vào định danh nhân viên tư vấn và môi giới để khách hàng tiếp cận được kênh thông tin chính thống. Các cơ quan quản lý cũng cần đẩy mạnh truyền thông về giao dịch và đầu tư với sự phối hợp của các công ty chứng khoán bởi đây là kênh đầu tư chính thống và đang được quan tâm.

"Bên cạnh kiểm soát chặt giấy phép hành nghề và các kênh phát triển khách hàng, cần có giải pháp đồng bộ để phát huy vai trò giám sát chặt chẽ từ cơ quan quản lý. Bản thân nhà đầu tư cũng cần tự nâng cao kiến thức khi tham gia kênh đầu tư này" - ông Tuấn khuyến nghị. 

Cẩn trọng với chứng khoán quốc tế

Chuyên gia chứng khoán Phan Dũng Khánh khuyến cáo nhà đầu tư nên tìm hiểu danh sách những công ty chứng khoán được cấp phép trên website của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các sở giao dịch chứng khoán. Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng những công ty chứng khoán hợp pháp không được kinh doanh, đầu tư chứng khoán quốc tế, ngoại hối quốc tế (Forex)... cho nên nếu gặp môi giới mời gọi tham gia những dạng thức này thì đều là lừa đảo hoặc hoạt động không hợp pháp.