Hiện nhiều trường đại học công lập đã công bố tăng học phí năm học 2022-2023 theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Theo Nghị định này, từ năm học 2022-2023, học phí đại học công lập sẽ tăng ở tất cả các ngành học với mức trần học phí từ 12 đến trên 60 triệu đồng/năm học 10 tháng, tùy theo mức độ tự chủ của các trường.
Tuy nhiên, theo thông báo mới đây của Văn phòng Chính phủ, sau buổi họp về học phí và sách giáo khoa, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các cơ quan có liên quan để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022-2023.
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết bộ đã có tờ trình kiến nghị Chính phủ về việc tạm dừng tăng học phí trong năm học 2022-2023 nhằm san sẻ khó khăn với học sinh, sinh viên, phụ huynh sau hai năm chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 khối giáo dục đại học tổ chức ngày 12/9, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã khuyến nghị các trường đại học công lập chuẩn bị tinh thần thực hiện yêu cầu của Chính phủ về việc không tăng học phí năm này để phù hợp với điều kiện đất nước vừa trải qua hai năm dịch bệnh, tình hình kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn.
Trong khi chờ nghị quyết mới, các trường đại học đã có những phương án khác nhau về việc thu học phí của sinh viên.
Đại học Bách khoa Hà Nội đã thông báo tới sinh viên về việc tạm thu học phí đợt 1 học kỳ I năm học 2022-2023 như mức thu năm 2021-2022. Sau khi có quyết định chính thức về học phí, trường sẽ tính toán mức học phí sinh viên phải nộp vào đợt 2.
Trước đó, mức học phí mới dự kiến áp dụng cho năm học 2022-2023 đối với khóa nhập học năm 2022 đã được Đại học Bách khoa Hà Nội công bố từ tháng 6/2022 là từ 24 đến 30 triệu đồng/năm học cho các chương trình chuẩn, từ 35 đến 40 triệu đồng/năm học cho các chương trình ELITEC. Riêng các chương trình Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (IT-E10), Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (EM-E14) có học phí khoảng 60 triệu đồng/năm học. Chương trình song bằng Tiếng Anh chuyên nghiệp quốc tế (FL2) có học phí từ 42 đến 45 triệu đồng/năm học (đã bao gồm phí ghi danh), các chương trình đào tạo quốc tế học phí từ 25 đến 30 triệu đồng/học kỳ.
Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã thông báo cho sinh viên về việc áp dụng mức thu học phí mới đối với năm học 2022-2023, thậm chí đã tổ chức thu học phí. Tuy nhiên, trường đã quyết định tạm dừng và giữ nguyên học phí như năm học 2021-2022 là 354.000 đồng/tín chỉ với chương trình đại trà và 770.000 đồng/tín chỉ đối với chương trình chất lượng cao. Đối với các sinh viên đã đóng học phí theo mức học phí mới, nhà trường sẽ thực hiện trừ phần chênh lệch vào đợt học phí ở học kỳ tiếp thep
Theo lãnh đạo nhà trường, quyết định này được đưa ra sau khi trường tìm hiểu mức thu nhập bình quân của gia đình phụ huynh và sinh viên có sự sụt giảm so với trước đây đồng thời thực hiện khuyến nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây cũng là cách trường thể hiện sứ mệnh là một trường đại học công lập có trách nhiệm với cộng đồng xã hội, chung tay với toàn xã hội vượt qua khó khăn sau đại dịch, cùng đồng hành, chia sẻ với gia đình phụ huynh và sinh viên.
Một số trường như Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Đà Lạt, Đại học Nha Trang, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cũng đã thông báo chưa tăng học phí để chia sẻ khó khăn với người học./.