Học phí đại học tăng: Sinh viên tìm nguồn hỗ trợ ở đâu?16/04/2021 - 10:40:00 Mùa tuyển sinh 2021, việc nhiều trường đại học (ĐH) thông báo tăng học phí sau tự chủ khiến nhiều thí sinh “con nhà nghèo” lo lắng, đặc biệt là những trường có tỉ lệ chọi cao.
Tăng gấp đôi, gấp ba Theo đề án tuyển sinh riêng của các trường đã được công bố đến thời điểm này, ở khối trường công lập, nhóm trường đào tạo sức khỏe hiện có mức học phí tăng cao nhất trong năm học 2021-2022. Cụ thể, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến áp dụng mức học phí mới theo hai mức. Trong đó, nhóm ngành y khoa, dược học, răng - hàm - mặt có mức 32 triệu đồng/năm. Các ngành còn lại là 28 triệu đồng. So với năm 2020, mức thu này tăng hơn gấp đôi, bởi hiện nay học phí của trường chỉ theo hai mức: Những em hộ khẩu tại TP HCM chỉ hơn 14 triệu đồng/năm, còn lại là hơn 28 triệu đồng. Trường ĐH Y Dược Cần Thơ tuyển 1.920 chỉ tiêu ở các ngành đào tạo ĐH chính quy. Theo thông báo của nhà trường, mức học phí dự kiến đối với hệ đại trà là 24,6 triệu đồng/năm. ĐH Y Dược (ĐHQG Hà Nội) thông tin, đối với các ngành chương trình chuẩn học phí 14,3 triệu đồng/năm; đối với chương trình chất lượng cao, mức học phí 60 triệu đồng/năm. Trường ĐH Y - Dược, ĐH Thái Nguyên 14,3 triệu đồng/năm. Mức học phí ở Khoa Y (ĐHQG TP HCM), ĐH Y Dược TP HCM khoảng từ 60 đến gần 90 triệu đồng/năm. Trong khi đó, mức học phí dự kiến cao nhất ở các trường ngoài công lập từ 150 đến 200 triệu đồng/năm. Đơn cử Trường ĐH Hoa Sen dự kiến học phí của ngành Răng hàm mặt là 180 triệu đồng/năm; Dược học là 80 triệu đồng/năm, Kỹ thuật y sinh là 50 đến 60 triệu đồng/năm… Không chỉ nhóm ngành sức khỏe, nhiều trường khối kỹ thuật, luật… cũng thông báo tăng học phí. Trường ĐH Bách khoa TP HCM dự kiến Chương trình chất lượng cao tăng cường tiếng Nhật ở mức 50 triệu đồng/SV/năm. Chương trình chất lượng cao tăng cường tiếng Anh là 66 triệu đồng/SV/năm. 2 chương trình đào tạo chất lượng cao tăng 10% so với hiện tại. Riêng chương trình đào tạo đại trà có mức 25 triệu đồng/SV (tăng gấp đôi năm 2019). Sinh viên tìm nguồn hỗ trợ ở đâu? Học phí với sinh viên (SV) chính quy của nhiều trường ĐH công lập hiện vẫn theo quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, từ 8,6 triệu đến 14,3 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, về lâu dài, theo các chuyên gia nhận định, xu hướng tăng học phí sau tự chủ của các trường ĐH là tất yếu bởi khi rời khỏi “bầu sữa ngân sách”, giai đoạn đầu các trường sẽ phải tăng học phí để bù vào khoản ngân sách trước đó được cấp, giờ không có. Học phí cũ sẽ không “gánh được” chi phí đào tạo. Thậm chí, người học sẽ phải đóng toàn bộ chi phí đào tạo theo mô hình “tính đúng, tính đủ” như lý giải của đại diện Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch: Trường tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, tăng cường chương trình hợp tác nâng cao chất lượng đào tạo, năng lực thực hành tạo các cơ sở y tế, năng lực ngoại ngữ phục vụ sự phát triển nghề nghiệp cho người học. Đơn giá học phí các năm sau có thể được điều chỉnh trượt giá theo quy định. Như vậy, học phí tăng là không tránh khỏi và theo các chuyên gia, giải pháp cho các SV muốn học ĐH đó là vay tiền để trang trải và sau này làm trả nợ dần. Đây cũng là xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới hiện nay. Mỗi SV có thể tìm hiểu các chính sách hỗ trợ vay tín dụng học tập từ các trường cụ thể mà mình có nguyện vọng đăng ký thông qua đề án tuyển sinh, website hoặc các số hotline của nhà trường, kinh nghiệm từ các SV khóa trước. Ngoài ra, SV có hoàn cảnh khó khăn của tất cả các trường ĐH còn được hỗ trợ vay tín dụng học tập từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh mức cho vay tín dụng học tập đối với học sinh, SV, mức cho vay tối đa là 2,5 triệu đồng/tháng/học sinh, SV. Nhiều giải pháp tài chính với người học được đặt ra nhằm tạo điều kiện để mọi SV đều bình đẳng trước cánh cửa ĐH. Luật Giáo dục sửa đổi (có hiệu lực từ tháng 7/2020) và Luật Giáo dục ĐH (có hiệu lực từ ngày 1/7/2019) quy định cùng với những điều kiện cho phép tăng học phí, các trường cũng phải có trách nhiệm trích một phần nguồn thu học phí để hỗ trợ SV có hoàn cảnh khó khăn. Ghi nhận tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM, năm nay trường có nhiều chính sách đặc biệt để hỗ trợ SV như đào tạo miễn phí 130 chỉ tiêu ở một số ngành trọng điểm, mỗi ngành 20 đến 25 SV: robot và trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật ô tô... Trường còn dành 36 tỉ đồng để cấp học bổng cho SV trong năm 2021 và nhiều suất học bổng 20% đến 50% học phí cho SV khó khăn. SV nữ học các ngành kỹ thuật cũng sẽ được giảm 25% đến 50% học phí năm đầu tiên… Đại diện ĐH Quốc gia TP HCM cũng cho biết các trường khi tăng học phí cũng sẽ trích 8% đến 10,8% học phí để hỗ trợ học bổng cho SV vừa để thu hút thí sinh giỏi vừa hỗ trợ kịp thời cho SV khó khăn. Theo Nghị định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, sinh hoạt phí đối với SV sư phạm, từ tháng 11/2020 trở đi, SV sẽ được hỗ trợ hai khoản, gồm tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học. Ngoài ra, mỗi SV được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập, theo thời gian học thực tế nhưng không quá 10 tháng/năm học. Đối tượng được hỗ trợ là những SV học trình độ ĐH,CĐ các ngành đào tạo giáo viên theo hình thức đào tạo chính quy, liên thông chính quy; SV học văn bằng thứ hai theo hình thức đào tạo chính quy trình độ ĐH,CĐ các ngành đào tạo giáo viên có kết quả học lực văn bằng thứ nhất đạt loại giỏi. Tuy nhiên, theo Nghị định này, SV sẽ phải bồi hoàn chi phí đã hưởng nếu không công tác trong ngành giáo dục sau hai năm kể từ ngày tốt nghiệp; đang trong thời gian đào tạo nhưng chuyển sang ngành khác, tự thôi học hoặc bị kỷ luật buộc thôi học... Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|