Điều này đỏi hỏi việc lấp đầy những “khoảng trống” trong nhận thức của học sinh và phụ huynh để giúp các em tham gia giao thông an toàn.
Học sinh bị thương vong do tai nạn giao thông: Những "lỗ hổng" cần lấp đầy06/11/2023 - 14:43:00 Tình trạng TNGT xảy ra với lứa tuổi học sinh đang gia tăng và diễn biến phức tạp. Điều này một phần xuất phát từ việc các em tham gia giao thông bằng phương tiện mô tô, xe máy điện, xe đạp điện ngày càng tăng, song kỹ năng tham gia giao thông lại chưa đảm bảo.
Điều này đỏi hỏi việc lấp đầy những “khoảng trống” trong nhận thức của học sinh và phụ huynh để giúp các em tham gia giao thông an toàn. 329 em học sinh tử vong và 528 em khác bị thương do TNGT trong 9 tháng đầu năm. Nghĩa là bình quân mỗi ngày có hơn 1,2 em học sinh tử vong do TNGT. Trong khi đó, số liệu Bộ Công an công bố trước đó cho thấy, trong gần 3 năm, từ năm 2020 đến tháng 9/2022, toàn quốc chỉ có 864 học sinh, sinh viên tử vong do TNGT, con số bị thương trong cùng thời gian là 1.794 người, bình quân dưới 0,8 học sinh tử vong do TNGT mỗi ngày. Việc gia tăng TNGT liên quan đến học sinh không thể không kể đến trách nhiệm của cha mẹ khi giao những phương tiện mà bản thân các em chưa đủ điều kiện để tham gia giao thông. Kết quả xử lý của lực lượng chức năng cho thấy, không ít trường hợp các em học sinh điều khiển phương tiện trên 50cm3, đòi hỏi phải đủ tuổi và phải có giấy phép lái xe. Bởi vậy, việc xử lý học sinh, xử lý cả phụ huynh, chủ phương tiện giao xe cho các em, khi các em chưa đủ điều kiện tham gia giao thông là cần thiết để nâng cao nhận thức cho cả học sinh và phụ huynh. Không những vậy, đây còn là giải pháp phòng ngừa từ xa với những hành vi vi phạm pháp luật khác, như gây rối trật tự công cộng hoặc tụ tập, đua xe trái phép. Đặc biệt, khi điều kiện kinh tế được cải thiện, nhiều gia đình sẵn sàng trang bị cho con những chiếc xe đạp điện, xe máy điện, mô tô dưới 50cm3. Hình ảnh những em học sinh THPT đi xe máy dưới 50cm3, xe đạp điện, xe máy điện với tốc độ trên 30km/h... ngày càng phổ biến, trong khi theo quy định hiện hành, người điều khiển các loại xe này không cần có giấy phép lái xe. Chính điều này tạo ra “lỗ hổng” trong kiến thức pháp luật giao thông đường bộ và các kỹ năng điều khiển phương tiện của người tham gia giao thông. Việc các em học sinh chưa có bằng lái, chưa nắm rõ các quy định của pháp luật điều khiển xe máy tham gia giao thông đã gây nên những tai nạn đáng tiếc, thậm chí phải đánh đổi bằng cả tính mạng của mình. Bởi vậy, việc trang bị đầy đủ kỹ năng cho các em trước khi được giao xe là rất cần thiết để giúp các em tham gia giao thông an toàn. Đó có thể là bằng lái tạm thời, hoặc những khóa học tìm hiểu về pháp luật giao thông đường bộ do trường phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tổ chức, và học sinh phải tham dự sát hạch để được cấp giấy phép lái xe. Trong khi việc cấp bằng lái tạm thời chưa được quy định, các trường học cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong việc đẩy mạnh các cuộc vận động và triển khai, mô hình an toàn giao thông gắn với kỹ năng điều khiển phương tiện. Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chương trình, tài liệu giảng dạy và đưa nội dung giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông và văn hóa khi tham gia giao thông vào chương trình chính khóa dưới hình thức tích hợp, lồng ghép vào nội dung một số môn học và hoạt động giáo dục từ cấp mầm non đến trung học phổ thông; tăng thời lượng thực hành, trải nghiệm thực tế. Khi các em được bồi dưỡng kiến thức pháp luật giao thông đường bộ và các kỹ năng điều khiển xe an toàn, xã hội sẽ có một môi trường giao thông trật tự và hiệu quả, ngăn ngừa nguy cơ tai nạn, góp phần giảm chi phí xã hội. Theo VOV Giao thông
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|