Học sinh cần được tới trường09/02/2022 - 09:19:00 Xung quanh việc học sinh các cấp trở lại trường, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện cùng PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) để hiểu rõ hơn về các biện pháp phòng, chống dịch, giúp học sinh được an toàn khi tới trường.
PV: Hiện nay, trên phạm vi cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng, các học sinh đã và đang chuẩn bị được tới trường đi học trực tiếp trở lại. Nhận định của ông về quyết định này thế nào? PGS.TS Trần Đắc Phu: Việc cho học sinh đi học trở lại ở thời điểm này là cần thiết vì các em đã nghỉ quá dài. Việc không tới trường trong thời gian rất lâu khiến các em gặp nhiều khiếm khuyết về mặt kiến thức, bên cạnh đó là nguy cơ mắc các bệnh tâm lý như trầm cảm, bệnh không lây nhiễm… nghiện trò chơi điện tử. Đặc biệt là với học sinh cấp 1, các em đang ở độ tuổi học nói, học viết mà không được tương tác với thầy cô, bạn bè thì sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển cả về mặt thể chất và tinh thần. Có thể nói, không cho học sinh tới trường thì hậu quả, hệ lụy của việc này lớn hơn rất nhiều so với nguy cơ trẻ mắc Covid-19. Bởi các nghiên cứu đã chứng minh, trẻ em khi mắc Covid-19 thường có triệu chứng rất nhẹ hoặc không có triệu chứng. Chúng ta đã xác định mở cửa an toàn, linh hoạt thích ứng với đại dịch thì việc đưa học sinh trở lại trường là hợp lý. Ông có thể cho biết biện pháp nào để học sinh có thể được đảm bảo an toàn khi tới trường? - Để mở lại trường học an toàn thì ngành giáo dục cũng cần phải sàng lọc kỹ học sinh khi đến trường. Đơn cử như các học sinh có triệu chứng ho, sốt, khó thở hoặc gia đình học sinh có thành viên là F0 thì chúng ta chưa cho các em đến trường, còn các học sinh thuộc diện nghi ngờ thì nên cho các em xét nghiệm trước khi tới lớp. Đương nhiên, trường học và các giáo viên, phụ huynh, học sinh đều cần thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống Covid-19 đã được Bộ Y tế và Bộ Giáo dục Đào tạo hướng dẫn như học sinh cần đeo khẩu trang khi tới trường, khi từ trường về nhà em nào có dấu hiệu ho, sốt, khó thở thì cần đưa vào phòng cách ly đồng thời tiến hành điều tra dịch tễ và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đứng quy định. Trong trường hợp lớp học có F0, nhà trường nên cho học sinh ở lớp đó tạm nghỉ học để chờ kết quả xét nghiệm nhưng cũng không nên đóng cửa cả trường học. Cần lưu ý, việc phối hợp giữa phụ huynh, nhà trường và cơ quan y tế để cùng theo dõi sức khỏe của học sinh đóng vai trò rất quan trọng, bởi lẽ học sinh trở lại trường sau ngày nghỉ Tết, nguy cơ lây nhiễm sẽ cao hơn bởi các em di chuyển nhiều nơi. Trong một cuộc trò chuyện, ông đã từng nhắc đến áp dụng tư tưởng “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quan điểm chống dịch Covid-19 bằng những biện pháp linh hoạt, thích ứng an toàn với đại dịch. Vậy việc đưa học sinh trở lại trường có phải là một trong những minh chứng rõ ràng của chiến lược này? - Năm 2021 chúng ta chứng kiến đại dịch gây ra tổn thất vô cùng nghiêm trọng về người và của. Sự tổn thất đó không chỉ là sức khoẻ người dân mà còn là sự tổn thất về kinh tế. Sự tổn thất đó không chỉ là hiện tại mà trong cả tương lai, đó là những vấn đề hậu Covid-19. Đó là tổn hại về sức khoẻ thể chất và tinh thần của những người sau khi mắc Covid-19, đó là các bệnh phát sinh và tiến triển do ảnh hưởng của đại dịch. Đó là học sinh lâu ngày không được tới trường, phải học trực tuyến. Học trực tuyến trẻ em không được tương tác trực tiếp với thầy cô với bạn bè, trẻ không chỉ bị khiếm khuyết về kiến thức mà còn bị ảnh hưởng phát triển thể chất và tinh thần… Nền kinh tế không chỉ bị giảm sút mà còn bị đứt chuỗi cung ứng, không chỉ bị ảnh hưởng tại trong nước mà còn bị tác động từ nước ngoài mang lại. Vậy chúng ta cần ứng xử trong năm mới, trong tình hình mới với quan điểm, tư duy “dĩ bất biến, ứng vạn biến” như thế nào? - “Dĩ bất biến” là sự cảnh giác cao độ với dịch bệnh, là thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch có hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ người dân lên trên hết vừa làm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội người dân. Mong rằng các cơ quan chức năng hãy đáp ứng với dịch bệnh một cách linh hoạt, có phương án cho người dân đón chào xuân mới an toàn, vui tươi, hạnh phúc… Mong rằng mỗi người dân hãy thực hiện tốt 5K trong việc thực hiện hành vi của mình với cách thức tự tin như luôn đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, chọn phương tiện an toàn khi đi lại, sinh hoạt, vui chơi, du lịch, tham gia lễ hội, tiếp xúc nơi công cộng an toàn… để không vì năm mới mà sau Tết lại bùng phát một đợt dịch mới không kiểm soát được. Tất cả phụ thuộc vào ứng xử thông minh, trách nhiệm với cộng đồng của mỗi người. Trân trọng cảm ơn ông! Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|