Số liệu mới nhất của Bộ GD&ĐT cho thấy, trong một năm học, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Trung bình, trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có 1 trường có học sinh đánh nhau.
Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Công an, mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Trước đây, tội phạm giết người trong độ tuổi từ 30 đến dưới 45 chiếm số lượng cao nhất. Hiện giờ giảm còn 34% so với 41% của độ tuổi 18 đến dưới 30. Trong đó, có hơn 75% các trường hợp bạo lực mà đối tượng là học sinh và sinh viên. Tình trạng này đang có dấu hiệu trẻ hóa và mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Phần lớn các vụ học sinh xô xát, đánh nhau xảy ra gần đây xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trên lớp, trong cuộc sống, nói xấu nhau trên mạng xã hội hay xuất phát từ sự kích động của bạn bè… Hậu quả của các vụ việc đánh nhau gây thương tích cho cơ thể, còn hành vi quay video và đưa lên mạng xã hội để làm nhục người khác gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng về tinh thần của nạn nhân.
Hiện tượng này đã diễn ra trong nhiều năm nay nhưng thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng, đây là nỗi trăn trở của nhiều gia đình và là nỗi bức xúc của toàn xã hội.
Có thể kể đến một số vụ việc điển hình. Vào cuối tháng 3 vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện một clip dài hơn 3 phút ghi lại cảnh 2 nữ sinh lớp 8 ở Quảng Trị vây đánh 1 nữ sinh lớp 7. Trong clip, 2 nữ sinh lao vào đánh, giật tóc, bắt quỳ, xé áo kèm theo những lời chửi bới, đe dọa, nữ sinh bị đánh không phản kháng lại mà ôm người chịu trận. Một số nữ sinh dùng điện thoại để quay lại sự việc và cổ vũ hành vi trên.
Tại Hà Nội, mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện video ghi lại cảnh nữ học sinh lớp 8 Trường THCS - THPT Hà Thành (Hà Nội) bị đánh hội đồng trước cổng trường. Một nhóm người đã giật tóc, đánh thẳng vào đầu, vào mặt em trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác. Một tuần sau đó, nữ sinh này không thể đến trường, bị tổn thương về thể xác và rối loạn về tinh thần, luôn mất ngủ và sợ xuất hiện trước đám đông.
Một vụ việc khác nghiêm trọng hơn, một học sinh lớp 6 tên H. của Trường THCS Phong An (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) trong khi đi vệ sinh đã xảy ra xô xát với học sinh lớp 7. Kết quả, H. bị con dao rọc giấy đâm trúng và tử vong.
Liên tiếp những thông tin, clip về các vụ đánh nhau của học sinh được chia sẻ trên mạng xã hội thời gian qua đã khiến dư luận lo ngại và phẫn nộ bởi tính chất côn đồ, hung hãn của đối tượng.
Chị Nguyễn Hồng Đào (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ, gần đây, đọc nhiều thông tin trên báo chí và mạng xã hội thì thấy, các vụ bạo lực học đường diễn ra ngày càng nhiều, tính chất ngày càng nghiêm trọng đáng báo động. Đáng nói, trong nhiều vụ việc, các em chứng kiến không những không can ngăn mà còn sử dụng điện thoại di động để quay video, phát tán lên mạng xã hội. Có con đang học lớp 10, chị cảm thấy rất lo lắng về thực trạng này. Chị Đào cho rằng, những hành vi lệch lạc này cần được giáo dục, chấn chỉnh kịp thời để nhà trường luôn là môi trường an toàn và lành mạnh nhất cho các em học sinh.
Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, Việt Nam đang là một trong những nước đứng đầu về tỷ lệ bạo lực học đường, hành vi này ngày càng gia tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Những vụ bạo lực học đường không chỉ gia tăng về số lượng mà còn gia tăng về mức độ nguy hiểm. Đáng nói, bạo lực học đường không chỉ diễn ra ở hình thức đánh nhau tác động đến thể chất mà còn nhiều hành vi tấn công về mặt tinh thần như đe dọa, chửi rủa… Điều này có thể làm ảnh hưởng tới quá trình phát triển toàn diện của học sinh sau này.
Theo ông Nguyễn Trọng An, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối từ lâu và ngày một nghiêm trọng. Nguyên nhân của thực trạng này là do việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội để giáo dục các em mới chỉ là khẩu hiệu chứ vẫn rất lỏng lẻo.
Hầu hết toàn bộ hệ thống giáo dục của Việt Nam, đặc biệt là các nhà trường hiện vẫn chưa có một bộ phận tư vấn về tâm lý học đường cho học sinh. Trong giáo dục chính quy cũng vậy, suốt thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc như vậy đều là do những xung đột cá nhân tiềm ẩn trong từng bản thân các em học sinh. Xung đột không được giải tỏa, tích tụ lâu ngày như một giọt nước tràn ly sẽ dẫn đến những hành vi tiêu cực.
Trong các nhà trường, nếu giáo viên hiểu được tâm lý học đường, tâm lý học sinh, tâm lý tuổi vị thành niên, có kỹ năng, kiến thức về tâm lý thì có thể tư vấn ngăn chặn và giải tỏa những vấn đề kìm nén trong từng cá nhân học sinh, chắc chắn những sự việc đáng tiếc sẽ không xảy ra.
Cũng theo ông An, trong một môi trường giáo dục nếu có vấn đề bạo lực thì không thể gọi là môi trường giáo dục. Môi trường giáo dục là ngoài các vấn đề về văn hóa, kiến thức thì phải có vấn đề đạo đức, tư cách. Nếu để xảy ra bạo lực thì sẽ làm bôi xấu môi trường giáo dục trong sạch.
Cùng với đó, bạo lực có thể dẫn đến tai nạn thương tích. Với những học sinh có thần kinh yếu hoặc những em có vấn đề tâm lý, tinh thần không bình thường thì có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề hơn như tự tử, bỏ học, vi phạm pháp luật, sa vào nghiện hút, đâm chém nhau, gây rối loạn xã hội.
Ông An cho rằng, để ngăn chặn bạo lực học đường, bên cạnh sự quan tâm của nhà trường, giải pháp căn cơ vẫn xuất phát từ phía gia đình. Mỗi một gia đình cần có một nền tảng giáo dục con cái nhất định. Thế nhưng thực tế, giáo dục gia đình ở Việt Nam hiện vẫn bị coi nhẹ. Nhiều ông bố, bà mẹ ở nông thôn dường như không có kỹ năng, kiến thức giáo dục con cái, phó mặc cho nhà trường. Ở thành thị, nhiều phụ huynh bận rộn với công việc, “cơm, áo, gạo, tiền” nên cũng không chú trọng trau dồi các kiến thức kỹ năng nuôi dạy con cái.
“Giáo dục gia đình là quan trọng. Các bậc cha mẹ cần có kiến thức để bảo vệ con cái, hỗ trợ, giúp con giải tỏa trong mọi vấn đề, từ đó giảm sự bùng phát, tức giận trong con trẻ để không dẫn đến bạo lực. Về phía nhà trường, cần giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng phòng, tránh bạo lực xâm hại và các vấn đề liên quan đến đời sống. Không nên chỉ tập trung vào việc nhồi nhét kiến thức, chạy theo thành tích, điểm số. Hệ thống giáo dục, hệ thống nhà trường cần có giáo viên về tâm lý, tâm lý về xã hội, tâm lý học đường để tư vấn, trao đổi với học sinh về những khúc mắc, từ đó có thể ngăn chặn nguy cơ bạo lực học đường”, ông Nguyễn Trọng An nói.
Các chuyên gia tâm lý cũng nhận định, môi trường gia đình là yếu tố trực tiếp quan trọng nhất tác động vào tâm lý hình thành lên các cư xử của trẻ, giúp trẻ phân biệt được các điều có lợi và có hại khi thực hiện hành vi, biết lễ nghĩa kính trên nhường dưới, tôn trọng người nhiều tuổi hơn mình và giúp đỡ, che chở ngoài nhỏ tuổi, yếu thế hơn mình…
Cấp II và cấp III là giai đoạn học sinh hình thành nhân cách chỉ cần một tác động xấu từ gia đình và xã hội có thể gây nên tổn thương, hình thành những nhân cách không đúng về giá trị sống, điều này sẽ dẫn đến những vụ bạo lực học đường./.