Học sinh lạm dụng app giải bài tập: Nên quản hay cấm?28/04/2022 - 16:11:00 Chỉ cần thao tác đơn giản, dùng điện thoại chụp câu hỏi, các ứng dụng giải bài tập sẽ nhanh chóng đưa ra đáp án cho người học. Sự tối ưu của các ứng dụng giải bài tập trên điện thoại thông minh đang khiến một bộ phận học sinh có tâm lý lạm dụng, học tập đối phó, gây nhiều lo ngại.
Con dao hai lưỡi “Gặp bài khó ở trường thì có thể hỏi thầy cô, chứ về nhà rồi biết lấy ai để hỏi đây”, đây lời giới thiệu của một TikToker được đăng tải trong video quay lại cách sử dụng hàng loạt các ứng dụng (app) giải bài tập được tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Theo người này, hiện có nhiều ứng dụng “cứu cánh” cho học sinh, nhất là mùa thi cử. Các app sẽ giải bài tập bằng camera và giọng nói, hỗ trợ giải bài tập ở các môn như: Tiếng Anh, Toán, Vật lý, Hóa học… Những video như thế này không hiếm gặp trên nền tảng TikTok. Mỗi video thu hút hàng chục nghìn lượt thích và hàng trăm lượt bình luận. Với học sinh từ bậc THCS trở lên, những app giải bài tập như Socratic, Qanda, Xmine, Solve… chẳng còn xa lạ. Dễ dàng cài đặt, hoàn toàn miễn phí, thao tác đơn giản là có đáp án ngay nên các app này đang được học sinh truyền tai nhau sử dụng. Biết đến ứng dụng giải bài tập hơn 1 năm nay, em T.M.C. học sinh lớp 9, Trường THCS Đông Thái (quận Tây Hồ, Hà Nội) xem app giải bài tập như một công cụ hỗ trợ hữu ích cho việc học tập. Em C. cho biết: “Những bài tập khó hoặc chưa hiểu, không phải lúc nào em cũng hỏi được thầy cô nên em thường tự tìm hiểu cách giải trên app. Nhưng cũng có lúc em chép luôn lời giải cho nhanh”. Với mục đích tự học thì những ứng dụng hỗ trợ giải bài tập là một ý tưởng hay trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ. Nhưng không phủ nhận hiện nay, một bộ phận học sinh đang lạm dụng vào những app này để giải quyết nhanh bài tập về nhà, học tập đối phó thầy cô. Nhiều năm dạy học môn Toán, bà Trịnh Diệu Hằng - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, tình trạng học sinh sử dụng các app giải bài tập ngày càng phổ biến. Những app này có chức năng tương tự giống như sách tham khảo. Tuy nhiên, theo bà Hằng, các app này chỉ nên sử dụng với mục đích học sinh kiểm tra bài đã làm có đúng kết quả hay không chứ không được lạm dụng. Thực tế, có một số học sinh không chịu học, sử dụng app giải bài tập để đối phó cho đủ bài. Đến khi cô giáo kiểm tra, cho giải lại bài thì không làm được. Lúc đấy, những học sinh này mới thừa nhận thường xuyên tìm đến app giải bài tập. Ông Hồ Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) cho rằng, hệ lụy khi học sinh lạm dụng các ứng dụng giải bài tập này là không nhỏ. “Nếu trước đây học sinh đứng trước một bài toán khó sẽ mày mò, tìm tòi. Còn bây giờ, các em chỉ cần vài thao tác trên điện thoại, thế là xong bài tập. Các em sẽ không được rèn kỹ năng tư duy, đức tính kiên nhẫn. Như vậy, học sinh đương nhiên sẽ lười học hơn khi không còn lo hiểu bài, làm bài nữa. Tất cả đã có phần mềm giải quyết” - ông Anh nhận định. Mặt khác, theo ông Anh, việc đánh giá năng lực thực chất của học sinh cũng rất khó khăn. Bởi khi các em giải bài tập nhờ phần mềm thì đó không phải kết quả thực chất mà là kết quả của công nghệ. Hướng dẫn sử dụng thay vì cấm Hệ lụy từ việc học sinh lạm dụng ứng dụng giải tập đã được các thầy cô chỉ ra, song có nên cấm học sinh sử dụng các app này là câu hỏi cần phải bàn tới. Bà Trịnh Diệu Hằng cho rằng, không thể cấm cản học sinh nhưng các em cần được hướng dẫn sử dụng sao cho đúng. Phần mềm giải bài tập sẽ có công dụng tốt nếu học sinh dùng đúng cách. “Nếu chúng ta cấm học sinh thì các em sẽ lén lút sử dụng. Như vậy sẽ tệ hơn về mặt giáo dục đạo đức. Giải pháp ở đây là phụ huynh, nhà trường dạy học sinh tính tự giác, hướng dẫn sử dụng phần mềm sao cho hiệu quả và tăng cường kiểm tra học lực của học sinh” - bà Hằng nói. Dưới góc độ chuyên gia tâm lý giáo dục, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) lưu ý, học sinh cần tự nghiêm khắc với mình, có ý thức tự học qua phần mềm để tăng cơ hội phát triển bản thân, tích lũy kiến thức phục vụ công việc trong tương lai. Bên cạnh đó, ông Lâm cho rằng, cha mẹ không nên tạo áp lực cho con cái bằng việc đề cao điểm số, chấp nhận điểm số của con đến đâu để có cách nhắc nhở, động viên con tự cố gắng học tập. Đồng thời, thầy cô cũng không nên giao quá nhiều bài tập cho học sinh, dẫn tới tình trạng các em học đối phó. Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo ví việc học sinh sử dụng ứng dụng giải bài tập như nhờ người khác tập thể dục hộ mình. Để thấy rằng, nếu các em lạm dụng các ứng dụng này trong học tập thì sẽ không có tác dụng gì cho bản thân. Mục đích của việc giao bài tập cho học sinh là giúp các em luyện tập, nắm vững kiến thức và hiểu sâu hơn về kiến thức có liên quan, để vận dụng vào học tập ở các môn học khác, cũng như trong cuộc sống. Thế nên, học sinh không nên lạm dụng các ứng dụng giải bài tập, thay vào đó sử dụng đúng mục đích. Theo ông Thành, thầy cô nên thay đổi cách giao bài tập cho học sinh, không giao những bài tập đã có sẵn. Với những bài tập app có thể giải được có nghĩa là bài tập đấy có thể lập trình hóa, chỉ đưa ra con số là có thể có lời giải. Giáo viên nên hạn chế những bài tập như thế và cần cân nhắc giao bài tập cho học sinh thế nào để các em phát triển năng lực bản thân. Bài tập đấy phải hội tụ những yêu cầu về các yếu tố sáng tạo, đưa ra cách thức giải quyết bài toán chứ không phải là thực thi cách thức ấy. Khi đưa ra cách thức thì máy móc công nghệ không thể có sẵn được. “Chúng ta không thể ngăn cản cũng như không thể chối bỏ việc học sinh áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào học tập, trong đó có việc giải bài tập. Vấn đề đặt ra cho ngành giáo dục là quản lý như thế nào vừa để phát huy tối đa mặt tích cực, đồng thời ngăn chặn tác động tiêu cực của vấn đề này” - ông Hồ Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (Nghệ An). Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|