Để phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, thành phố Hà Nội đã quyết định toàn bộ học sinh các cấp tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến trong thời gian dài vừa qua.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, việc học trực tuyến kéo dài sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tâm sinh lý của học sinh, nhất là với lứa tuổi thanh thiếu niên.
Vì vậy, việc Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đồng ý cho học sinh từ khối 7 đến khối 12 tới trường học tập sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần là giải pháp phù hợp để tránh những hệ lụy lâu dài.
Bài 1: Xuất hiện sức ỳ tâm lý ở học sinh
Có một thực tế, sau thời gian học trực tuyến kéo dài, khá nhiều học sinh xuất hiện "sức ỳ tâm lý", không muốn đi học trở lại, ngại giao tiếp. Nhiều em cả ngày chỉ quanh quẩn trong nhà và coi thiết bị điện tử như một người "bạn thân."
Toàn bộ hoạt động thể chất, tinh thần gần như bị bỏ bẵng. Có khá nhiều em còn mắc bệnh về mắt, béo phì, tinh thần sa sút và nguy hiểm hơn là có biểu hiện trầm cảm.
Ngại giao tiếp, làm bạn với thiết bị điện tử
Suốt những tuần đầu sau khai giảng, học sinh Đinh Khánh Trà (lớp 9, Trường Trung học Cơ sở Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) liên tục hỏi mẹ xem bao giờ con được đến trường. Em vẫn tham gia học trực tuyến với ý thức nghiêm túc, hoàn thành các bài tập được giáo viên giao nhưng kèm với đó là sự sốt ruột, mong chờ cho ngày được trở lại trường.
Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau đó, em đã thay đổi, thích nghi với việc học trực tuyến, thậm chí có biểu hiện “bài xích” việc đi học trực tiếp.
“Dường như con không còn nhắc gì đến việc đi học nữa. Rời máy tính là con cầm ngay điện thoại di động và hẹn bạn chơi game. Tôi đã nhắc nhở và hạn chế con để con không quá sa đà nhưng gần như không thể làm được. Một phần vì tôi còn phải đi làm, không thể kè kè bên cạnh con, một phần là do con bảo không còn biết giải trí theo cách nào khác,” chị Đinh Thị Mừng, mẹ em Đinh Khánh Trà chia sẻ.
Tìm hiểu của phóng viên đối với một số học sinh khối tiểu học cũng cho thấy tình trạng tương tự. Phần lớn các em đã quen thuộc với việc học trực tuyến, thậm chí thích vì không phải dậy sớm, không phải di chuyển đến trường, nhất là có thể “học theo cách của mình.” Nguy hiểm hơn, đã có một số bộ phận phụ huynh cũng có nhận thức tương tự.
Trước quyết định của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc cho học sinh trở lại trường sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, vẫn có một số phụ huynh cho rằng chưa cần thiết, có thể học trực tuyến đến hết năm học. Phần lớn số này đều bày tỏ lo ngại khi tưởng tượng ra việc phải đưa đón con hàng ngày nếu nhà trường không tổ chức ăn bán trú. Một số khác thì lo lắng về tình hình dịch bệnh với biến thể Omicron.
Với lịch học dày đặc cả chính khóa và học thêm của con, chị Vũ Ánh Nguyệt (quận Tây Hồ) có con học lớp 7 lo lắng không biết sẽ phải sắp xếp việc đưa đón như thế nào. “Vợ chồng tôi đều làm hành chính nên rất khó về trường đón con rồi lại đưa con đi học buổi tiếp theo. Vẫn biết là phải thích ứng với tình hình mới nhưng nếu có thể thì tôi vẫn muốn con học trực tuyến đến hết năm học này,” chị Vũ Ánh Nguyệt cho biết.
Những hệ lụy lâu dài
Việc ở nhà và học trực tuyến trong một thời gian dài đã gây nên sức ỳ tâm lý ở học sinh. Hiện tượng này cũng gặp ở người lớn khi nghỉ Tết, nghỉ phép dài ngày. Việc học tại trường không chỉ đơn thuần là thu nạp kiến thức qua sách vở mà còn qua sự vận động, giao tiếp. Chính sự giao tiếp giữa các học sinh, giữa giáo viên và học sinh sẽ giúp các em trưởng thành hơn rất nhiều.
Theo Tiến sỹ Tâm lý học Nguyễn Thị Kim Quý, Trung ương hội Khoa học tâm lý Giáo dục Việt Nam, học sinh là lứa tuổi đang hình thành và phát triển, khẳng định nhân cách, nhất là lứa tuổi dậy thì. Việc hạn chế về vận động và giao tiếp sẽ mang đến rất nhiều nguy cơ.
Hơn nữa, tiếp xúc với máy tính, điện thoại quá nhiều sẽ khiến học sinh dần bị “thui chột” đi cảm xúc, thiếu thốn kỹ năng, thái độ sống. Đó là chưa kể các hệ lụy khác về sức khỏe tâm thần, thể chất như dễ lo âu trầm cảm, rối loạn cảm xúc, dễ tổn thương, hay bực bội, cáu gắt. Nhiều học sinh có nguy cơ mắc các bệnh như cận thị, béo phì, cong vẹo cột sống, thiếu canxi...
Chia sẻ về thực tế của lớp học do mình làm giáo viên chủ nhiệm, cô Phạm Thị Hương, Trường Trung học Cơ sở Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy cho biết, sau 1 học kỳ học trực tuyến, có khá nhiều học sinh trong lớp trở nên ít nói. Mọi vấn đề giao tiếp giữa giáo viên và học sinh chỉ xoay quanh nội dung bài giảng.
“Quan sát nét mặt học sinh qua camera thì không thể biết được em đang nghĩ gì, đang mong muốn gì, có hiểu bài hay không? Giáo viên cũng không tìm hiểu được những thay đổi về tâm tư, tình cảm của học sinh. Hơn nữa, với 45 phút cho 1 tiết học, giáo viên cũng không thể chỉ chăm chăm “bắt lỗi” khi học sinh lơ là, thiếu tập trung. Điều này hoàn toàn làm được nếu như cô và trò ở trên lớp,” cô Phạm Thị Hương cho hay.
Không chỉ là vấn đề kiến thức, việc học trực tuyến kéo dài còn xuất hiện ngày càng nhiều những hệ lụy đáng báo động. Đó là những lo lắng, áp lực về dịch bệnh, học tập, thi cử, sức ép điểm số từ phụ huynh... Nhiều học sinh đã có biểu hiện rối loạn tâm thần. Bên cạnh đó, cha mẹ và con cái nảy sinh những xung đột do ở nhà quá lâu, cộng với khoảng cách tuổi tác...
Trước những hệ lụy trên, thông tin Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đồng ý với đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo cho toàn bộ học sinh từ khối 7 đến khối 12 trở lại trường sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần được nhiều phụ huynh phấn khởi đón nhận./.