Tại Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII, một trong những vấn đề lớn, quan trọng được xem xét, thảo luận là tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025.
Sau hội nghị, quan tâm về nội dung này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tô Trung Thành, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết những đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội năm 2022 tại hội nghị rất khách quan, khoa học và toàn diện.
Hội nghị đã tập trung thảo luận, phân tích kỹ những đặc điểm nổi bật của năm 2022, làm rõ những kết quả đã đạt được; hạn chế, yếu kém còn tồn tại, khó khăn, vướng mắc phải giải quyết và thách thức phải vượt qua từ nay đến cuối năm 2022 và năm 2023.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tô Trung Thành chia sẻ với tình hình dịch bệnh được kiểm soát, có sự thúc đẩy của gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 có thể đạt được mục tiêu 6,5% như kỳ vọng.
Động lực tăng trưởng kinh tế vẫn đến từ đầu tàu khu vực kinh tế đối ngoại (đóng góp lớn đến sản xuất sản phẩm chế biến chế tạo và xuất khẩu).
Bên cạnh đó, bù đắp cho đầu tư khu vực tư nhân còn khó khăn, chưa thể hồi phục nhanh do tác động của đại dịch, đầu tư công được tăng cường sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng của năm 2022.
Những chính sách đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm được thực hiện giúp tăng các mức chi tiêu, đóng góp lớn vào quy mô nền kinh tế.
Về phía sản xuất, ngành dịch vụ có cơ hội hồi phục mạnh mẽ trong năm 2022 với sự mở cửa trở lại của nền kinh tế.
Đây là ngành có vai trò lớn trong đóng góp vào tăng trưởng những năm gần đây. Chất lượng tăng trưởng năm 2022 được dự báo ở mức cao hơn, thông qua dự báo tăng trưởng TFP (Năng suất các nhân tố tổng hợp- Total factor Productivity-TFP) và năng suất lao động được cải thiện.
Tuy nhiên, theo ông Tô Trung Thành, tăng trưởng kinh tế năm 2022 cũng đứng trước nhiều thách thức lớn, đặc biệt là những rủi ro bất ổn vĩ mô, tài chính vẫn còn hiện hữu. Những rủi ro này có thể tác động ngược trở lại đến khu vực kinh tế thực, ảnh hưởng đến tốc độ và chất lượng tăng trưởng.
Nhóm chuyên gia của trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, khi đưa ra các chính sách, Chính phủ cần tập trung hướng đến làm thế nào để hồi phục và phát triển nền kinh tế một cách bền vững trong bối cảnh “sống chung với COVID-19.”
Cần thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ hướng về tổng cầu trong ngắn hạn để đẩy nền kinh tế quay trở lại vị trí tiềm năng. Tuy nhiên, chính sách cần được nới lỏng một cách thận trọng để tránh gây rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh đó, các chính sách cần hướng nguồn lực ưu tiên đến khu vực doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong đại dịch; đặc biệt là những doanh nghiệp có ảnh hưởng lan tỏa lớn đến nền kinh tế.
Theo đó, chính sách tài khóa phải được coi là chính sách hỗ trợ quan trọng nhất. Chính phủ có thể gia tăng hỗ trợ tài khóa mạnh mẽ hơn (lên khoảng 5-6% GDP) trong bối cảnh đặc biệt hiện nay để hỗ trợ nền kinh tế trong ít nhất 2-3 năm tới đây.
Như vậy, cần theo đuổi chính sách tài khóa nghịch chu kỳ trong giai đoạn 2022-2023, mở rộng chi tiêu, chấp nhận bội chi cao, ưu tiên cho tăng trưởng.
Tuy nhiên, chính sách này chỉ hiệu quả khi chi tiêu đầu tư công hiệu quả. Hiệu quả chi tiêu công sẽ là nhân tố quyết định bền vững nợ công. Với lý do này, các khuyến nghị chính sách tập trung vào cải cách thể chế đầu tư công, nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Trung Thành nhấn mạnh cần hỗ trợ đúng đối tượng và thiết thực hơn. Chính phủ cần thu hẹp đối tượng thụ hưởng các chính sách hỗ trợ này dựa trên mức độ chịu tác động bởi đại dịch.
Mở rộng hỗ trợ tài khóa cần hướng đến khu vực doanh nghiệp mạnh mẽ hơn, tập trung vào hai khó khăn lớn nhất với cộng đồng doanh nghiệp hiện nay là đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất gia tăng.
Vì vậy, cần thay thế các loại thuế dựa trên thu nhập và ưu tiên để giảm chi phí như giảm thuế giá trị gia tăng ở mức cao hơn và bao phủ nhiều đối tượng hơn. Bên cạnh đó, các giải pháp hỗ trợ về chi phí cho doanh nghiệp cần được tiếp tục đẩy mạnh.
Liên quan đến an sinh xã hội, các gói an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng cần được tiếp tục duy trì, đối tượng thụ hưởng nên được mở rộng và chú trọng tới nhóm lao động thuộc khu vực phi chính thức. Cần đơn giản hóa và cụ thể hóa các tiêu chí xác định đối tượng được hưởng trợ cấp.
Về chi tiêu đầu tư công, cần tiếp tục đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Đi kèm với thúc đẩy đầu tư công, cần xây dựng cơ chế đặc biệt để giám sát việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trong giai đoạn hiện nay, đảm bảo việc giải ngân nhanh chóng nhưng phải có hiệu quả cao, tránh lãng phí, thất thoát, tham nhũng./.