Mở đường cho "nghệ thuật mới"
Chia sẻ về cơ duyên đến với nghệ thuật này, Bùi Văn Tự chia sẻ: "Khi còn sinh viên, tôi đã đi làm thêm công việc trang trí tiểu cảnh nên trong một lần dựng và trang trí tiểu cảnh hòn non bộ, khi lắp đặt ánh sáng để làm nổi bật tiểu cảnh, tôi chợt nhìn thấy bóng của hòn non bộ in lên tường rất giống hình con gấu. Từ đó, trong đầu tôi đã bắt đầu nung nấu ý tưởng kết hợp ánh sáng với các tác phẩm nghệ thuật. Đến khi tốt nghiệp đại học, tôi làm kỹ sư xây dựng cho một cơ quan nhà nước, công việc ổn định, nhưng ý tưởng về loại hình nghệ thuật này vẫn luôn hiện diện nên tôi vừa làm việc, vừa tranh thủ mày mò thực hiện. Năm 2014, tôi quyết định tham gia chương trình "Tìm kiếm tài năng Việt" để giới thiệu nghệ thuật mới của mình và rất may mắn khi nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng và giám khảo. Thành công này đã giúp tôi có thêm dũng khí theo đuổi con đường nghệ thuật này. Đến năm 2020, tôi chính thức khởi nghiệp và dành toàn bộ thời gian cho nghệ thuật điêu khắc ánh sáng".
Tuy nhiên, đây là một loại hình nghệ thuật mới, chưa có tiền lệ ở Việt Nam nên không có chỉ dẫn, không có lối đi của người trước để học hỏi và sáng tạo bởi vậy Bùi Văn Tự cũng đã gặp những khó khăn khi theo đuổi nghệ thuật này. "Mặc dù mơ hồ và khó hình dung khi bắt đầu một loại hình nghệ thuật mới, cùng với sự phản đối của gia đình và bạn bè, nhưng tôi vẫn quyết tâm đi theo con đường mình đã chọn vì tôi nghĩ rằng "Có thể thất bại nhiều, nhưng nếu vẫn cứ đi tiếp, tôi tin khi có thành quả thì mọi người cũng sẽ ủng hộ" và đến hôm nay, những thành công của tôi đã được mọi người công nhận. Qua đó, tôi đã có cơ hội mang tác phẩm đi trưng bày, trình diễn tại các chương trình lớn như: Giải thưởng Búa liềm vàng, Festival Huế..." - Bùi Văn Tự chia sẻ thêm.
Giữa muôn vàn nguyên vật liệu, anh chọn gỗ lũa và gốm là chất liệu chính để tạo nên tác phẩm. Bùi Văn Tự cho biết "Đây đều là những nguyên liệu dễ tìm trên thị trường và phù hợp với phong cách sáng tác của tôi. Tuy mỗi loại đều có những ưu nhược điểm khác nhau, nhưng điều quan trọng nhất là phải biết lựa chọn phù hợp với tác phẩm muốn sáng tạo. Gỗ lũa và gốm là chất liệu dễ trưng bày trong mọi không gian khi kết hợp với ánh sáng, ý đồ và thông điệp nghệ thuật phản chiếu đằng sau sẽ tạo một ấn tượng thị giác đặc biệt".
Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây, Bùi Văn Tự còn sáng tạo nhiều tác phẩm điêu khắc ánh sáng bằng đá, xi măng, thậm chí các vật dụng cũ đã bỏ đi như mũ bảo hiểm cũ, chai, vỏ lon nước ngọt hay những chiếc hộp giấy… là rác thải, phế thải hàng ngày. Những phần rác thải tưởng chừng vô giá trị nhưng qua đôi bàn tay khéo léo, tỉ mẩn và sự sáng tạo của Bùi Văn Tự, cùng với sự trợ giúp của ánh đèn, chúng đã lột xác trở thành tác phẩm nghệ thuật khiến không ít người chứng kiến ngỡ ngàng.
Để tạo nên một tác phẩm không dễ dàng, đòi hỏi người nghệ sĩ phải kiên trì và có sự tỉ mỉ nhất định. Thông thường, để thực hiện một tác phẩm, Bùi Văn Tự mất từ 1 đến 6 tháng, bao gồm việc lên ý tưởng, tìm nguyên liệu, tạo hình và bổ sung chữ, thơ để tạo thành một tác phẩm hoàn thiện.
Bùi Văn Tự chia sẻ: "Bất kỳ một tác phẩm điêu khắc ánh sáng cũng cần phải có ý tưởng, có nguồn cảm hứng trước khi bắt tay vào làm. Tôi bắt đầu phải tưởng tượng xem tác phẩm đó là gì, là hình của ai, nội dung như thế nào. Từ đó, tôi mới phác thảo bố cục của một tác phẩm khi hoàn thiện. Sau đó, đến quá trình điêu khắc, tôi sẽ sử dụng ánh sáng để vừa chiếu đèn, vừa chạm trổ sao cho ra đúng sản phẩm mà mình đã lên ý tưởng. Đây là công đoạn khó khăn cũng như mất nhiều thời gian nhất, bởi việc tạo hình để phù hợp giữa phần hình và phần bóng rất khó. Phần hình chỉ cần sai lệch 1mm thì sẽ làm hỏng cả phần bóng. Nó đòi hỏi sự tập trung và tính tỉ mỉ rất cao".
Đưa văn hóa – lịch sử Việt vào tác phẩm
Các tác phẩm của Bùi Văn Tự thường được tìm nguồn cảm hứng sáng tạo từ chính những con người anh có duyên gặp trong cuộc sống. Đồng thời, anh cũng bám theo những câu chuyện về đời sống, văn hóa, lịch sử… để chuyển cái hay, nét đẹp và sự kỳ diệu của cuộc sống vào tác phẩm.
Bùi Văn Tự chia sẻ: "Nghệ thuật điêu khắc ánh sáng là môn nghệ thuật kết hợp giữa điêu khắc và ánh sáng, từ đó tạo nên hình ảnh độc đáo từ phần bóng của vật thể. Nên vậy, điêu khắc ánh sáng sinh ra rất phù hợp để kể những câu chuyện về đời sống, văn hóa, con người, lịch sử… Trong đó, câu chuyện văn hóa, lịch sử Việt Nam luôn là chủ đề cho tôi nhiều nguồn cảm hứng nhất, tôi đã lựa chọn nhiều câu chuyện khác nhau để thể hiện nhằm truyền cảm hứng, giới thiệu cho công chúng, đặc biệt giới trẻ về bản sắc văn hóa, lịch sử hào hùng của dân tộc ta".
Từ khi bắt đầu khởi nghiệp cho đến nay, Bùi Văn Tự đã chế tác được hơn 100 tác phẩm, đến tham quan gian phòng nhỏ của anh điều nhiều người không khỏi ngạc nhiên, khi thấy những khúc gỗ lũa được anh chạm khắc thành tác phẩm nghệ thuật, hay từ mảnh ghép của phế liệu được anh tạo thành những bức tượng… Lúc đầu trông có vẻ kì dị nhưng khi được chiếu đèn vào, những tác phẩm ấy lại trở nên lung linh, huyền ảo. Bóng chiếu của những tác phẩm ấy hiện ra là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, rồi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, núi non đất Việt hay hình ảnh người mẹ bồng con…
Bên cạnh đó, trong thời gian giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19, Bùi Văn Tự đã sáng tạo một tác phẩm từ phế liệu, vỏ chai, nắp bia, lọ tương ớt… Khi ánh sáng rọi vào hiện ra một thiên thần đang cố níu kéo trái đất, cứu thế giới khỏi cơn đại dịch. Qua tác phẩm anh hy vọng sẽ thức tỉnh cộng đồng trước cuộc chiến ngày càng khốc liệt với đại dịch và các vấn đề thiên nhiên.
Hiện nay, Bùi Văn Tự đang ấp ủ một dự án mới "Lịch sử Tràng An - Từ ngọn lửa đầu tiên cho đến những di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới" nhằm chào mừng kỷ niệm 10 năm Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Chia sẻ về dự án, Bùi Văn Tự cho biết: "Khát vọng lớn nhất của tôi là được kể về văn hóa, vẻ đẹp con người và thiên nhiên của Việt Nam. Vì vậy, với dự án này tôi mong muốn mang đến một không gian trải nghiệm, cung cấp cái nhìn tổng quát cho du khách về sự phát triển của con người từ thời tiền sử đến nay ở Tràng An; cùng với đó là các di tích, danh thắng của Quần thể danh thắng Tràng An, mối liên hệ của các di tích trong suốt chiều dài lịch sử. Dự án bao gồm 3 nội dung chính: Người Tràng An thời tiền sử; Cuộc cách mạng nông nghiệp tại Tràng An; Tràng An hôm nay bảo tồn và phát triển.
Ở Quần thể danh thắng Tràng An, đặc trưng có rất nhiều dãy núi đá vôi rất cao. Vì vậy, tôi có thể sử dụng những vật liệu từ tự nhiên để sắp đặt, chiếu ánh sáng hắt lên những ngọn núi, tạo ra những hình ảnh về người Tràng An tiền sử, những câu chuyện về di sản, giúp người xem có cảm giác mới lạ, hùng vĩ, có thể sẽ trở thành điểm du lịch mới vào ban đêm giữ chân du khách tại Ninh Bình".
Đồng thời, trong tương lai, Bùi Văn Tự hy vọng sẽ có điều kiện và cơ hội để sáng tạo những tác phẩm điêu khắc ánh sáng có giá trị, tác phẩm nghệ thuật làm đẹp cho mình, cho người và xã hội và sử dụng điêu khắc ánh sáng để kể những câu chuyện về con người Việt. Qua đó, không chỉ để bạn bè trong nước lắng nghe mà còn lan tỏa ra bạn bè quốc tế./.