Không chỉ chị bạn ở trên mà một vài chủ phòng khám y tế tôi quen biết đều có chung hoàn cảnh, người thì đăng ký thông tin trên mạng donthuocquocgia.vn từ tháng 3, người thì chờ mã liên thông cả tháng nay, thậm chí có người lên Sở Y tế hỏi vì chờ lâu quá. Nhưng không ai trách Sở Y tế, bởi có lẽ chính sở cũng quá tải vì thành phố này có tới 8.500 cơ sở y tế với hàng chục ngàn bác sĩ.
Câu chuyện bắt đầu từ cuối năm 2021 khi Bộ Y tế ban hành Thông tư 27 quy định về kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử mà nhiều người trong ngành y gọi vắn tắt là đơn thuốc điện tử. Theo đó, các cơ sở khám chữa bệnh phải hoàn thành kê đơn thuốc điện tử trước ngày 1-12-2022 (các bệnh viện từ hạng 3 trở lên phải hoàn thành trước ngày 30-6-2022, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác phải hoàn thành trước ngày 1-12-2022).
Thông tư có hiệu lực từ ngày 15-2-2022, có nghĩa hàng ngàn cơ sở y tế công lập từ hạng 3 trở lên (bệnh viện, trung tâm y tế thuộc sở y tế tỉnh, thành trở lên) chỉ trong vòng 4 tháng phải đầu tư công nghệ, nhân vật lực để kết nối liên thông, cài đặt phần mềm; hàng chục ngàn cơ sở y tế tư nhân trên cả nước chỉ có 10 tháng để “thay đổi tư duy kê đơn thuốc giấy” sang đơn thuốc điện tử. Nhưng, quan trọng hơn là trình độ công nghệ và khả năng để “vào trang web” kê đơn với hàng trăm ngàn bác sĩ cả công lẫn tư trên cả nước không phải chỉ bằng một thông tư là xong ngay.
Dường như thấy không ổn nên ngày 12-7-2022, Bộ Y tế lại ban hành Thông tư 04 sửa đổi bổ sung một lúc 4 thông tư có liên quan tới kê đơn thuốc. Lần này, bộ đã thay đổi lộ trình dài hơn một chút, các bệnh viện từ hạng 3 trở lên hoàn thành trước ngày 31-12-2022, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác hoàn thành trước ngày 30-6-2023, kèm theo là đơn thuốc làm mẫu.
Cái lý của Bộ Y tế là kê đơn thuốc điện tử không chỉ tạo thuận lợi cho người bệnh, cơ sở khám chữa bệnh và cơ sở bán thuốc mà còn giúp việc quản lý bán thuốc minh bạch theo đơn tránh kháng thuốc, liên thông dữ liệu bán thuốc thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia giúp kiểm soát, chuẩn hóa được chất lượng toa thuốc; hạn chế lạm dụng kê đơn trong điều trị ngoại trú; giảm tình trạng một đơn thuốc kê lại cho nhiều người cùng dùng… Nói chung là rất nhiều lợi ích cho cộng đồng.
Thế nhưng, tới tháng 7 năm ngoái, qua thời hạn của Bộ Y tế, trong một hội nghị của ngành y cho thấy hơn 80% cơ sở y tế chưa triển khai kê đơn thuốc điện tử, phần lớn các cơ sở y tế ứng dụng đơn thuốc điện tử là bệnh viện công lập.
Hàng năm, 60.000 cơ sở y tế cả nước kê chừng 400-500 triệu đơn thuốc. Nhưng hiện nay, theo ước tính năm 2023, số đơn thuốc liên thông (tức kê đơn điện tử) chừng 20% mà phần lớn từ bệnh viện công lập. Và cũng không có gì khó hiểu khi từ đầu năm tới nay, dù đã quá thời hạn của Bộ Y tế gần cả năm nhưng khá nhiều sở y tế, phòng y tế quận, huyện các địa phương lục tục tập huấn kê đơn thuốc điện tử.
Chị bạn bác sĩ ở phần đầu bài viết mới tập huấn từ tháng 3 và nộp hồ sơ lên mạng. Chị nhận xét trong tư cách một chủ phòng khám nhỏ rằng kê đơn thuốc điện tử hiện nay bản chất là chuyển đổi số đồng loạt trong ngành y, nhưng dường như ngành y tế quên mất rằng các bệnh viện công lập, phòng khám đa khoa quy mô lớn mới có đầy đủ nhân lực, vật lực, trình độ về công nghệ thông tin, còn phòng khám nhỏ – chiếm số đông – lại không đơn giản.
Ngoài thói quen kê đơn bằng giấy thì phòng khám nhỏ thường thiếu máy tính, chi phí kết nối mạng, và đặc biệt, giá phần mềm kê đơn thuốc điện tử ERX-Medcomm được Bộ Y tế quảng bá là đạt chuẩn của bộ này thì cài đặt mất chừng 100.000 đồng/cơ sở/tháng; còn nhà thuốc, quầy thuốc thì cài trọn đời hết 3,9 triệu đồng, ít nhiều làm các cơ sở nhỏ e dè.
Đằng nào thì kê đơn thuốc điện tử là tất yếu trong đời sống bởi lợi ích và minh bạch cho cộng đồng, nhưng chắc chắn phải mất nhiều năm nữa và thực tiễn chứng minh ý muốn nhanh của Bộ Y tế đã không thành.