Khu vực nuôi lợn của nhà anh B.V.N. ở thôn Vạn Tuế, xã Tân Việt (Thanh Hà) gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Nhiều hộ dân ở nông thôn đã lựa chọn và gắn bó với nghề nuôi lợn để mong có cuộc sống khá giả. Nhưng kế sinh nhai của hộ này lại là nỗi ám ảnh của nhà kia để rồi thành việc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” mà không có hồi kết.
Ai cũng khổ
Gần 10 năm nay, dù cuộc sống có nhiều thay đổi nhưng việc nuôi lợn của nhà anh B.V.N. ở thôn Vạn Tuế, xã Tân Việt (Thanh Hà) vẫn luôn nóng hổi trong câu chuyện của người dân trong xóm. Anh N. nuôi không nhiều lợn, chỉ khoảng vài chục con một lứa song cũng đủ làm đảo lộn sinh hoạt của bà con sinh sống xung quanh. Nghe kể mới đầu, anh N. cũng hăm hở đầu tư hầm biogas rồi lắp đặt đường dẫn nước thải bài bản. Tuy nhiên, càng làm càng bung bét, hầm hỏng, ống dẫn nước thải vỡ. Dạo gần đây, nuôi lợn thất thường, thu nhập bấp bênh khiến anh N. chán nản không sửa chữa hệ thống xử lý chất thải nên gom được bao nhiêu tùy khả năng còn lại xả trực tiếp ra môi trường.
Nhà bà N.T.L. chỉ cách chuồng trại của anh N. vài bước chân nên kể cả khi có hầm biogas cũng bị ảnh hưởng chứ không nói đến việc chất thải xả bừa bãi như bây giờ. Bà L. vừa phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo, nhà lại có 2 cháu nhỏ nên rất bức xúc với kiểu nuôi lợn của anh N. Ngày nóng thì ngột ngạt, khó chịu, còn những khi ẩm trời, sương quẩn, mùi hôi thối lại càng nồng nặc. Đó là chưa kể đến những lúc lợn đói đòi ăn kêu la inh ỏi làm trẻ nhỏ giật mình khóc thét. Mới đầu nể tình làng, nghĩa xóm, ra vào còn chạm mặt nhau nên nhà nào cũng tặc lưỡi cho qua. Thế nhưng càng bỏ qua thì anh N. lại càng hời hợt, không tìm cách xử lý, mọi người góp ý thì làm ngơ. “Khuyên không được, bảo cũng chẳng xong nên hàng xóm cùng nhau viết đơn nhờ chính quyền can thiệp song đến giờ vẫn không có gì thay đổi”, bà L. phàn nàn.
Sống sát vách chuồng trại nuôi lợn của nhà hàng xóm, ông D.V.B. ở thôn Bắc, xã Cổ Dũng (Kim Thành) chỉ biết thở dài rồi lắc đầu ngán ngẩm “đành phải chịu chứ biết làm sao bây giờ”. Nhiều khi bực bội, ông B. độc miệng mong đàn lợn gây nhiều phiền phức kia chết hết và có lúc mừng thầm bởi lợn chết quá nửa đàn do dịch tả lợn châu Phi dù đây không phải là cách giải quyết. Hiện hộ này vẫn nuôi lợn cầm chừng và biết đâu khi dịch qua đi sẽ lại tái đàn ồ ạt.
Ông B. than phiền: “Thật tâm tôi không muốn cắt nguồn sống của hộ nuôi lợn song không thể cứ để mãi tình trạng người với lợn sống “chung” như thế này được. Giờ đời sống ngày càng đi lên, nhà nào cũng khang trang, khá giả mà môi trường sống lại bí bách, bức bối vì nuôi lợn thì không ổn. Ở quê còn ô nhiễm, ngột ngạt hơn thành phố thì đúng là ngược đời”.
Không chỉ có các hộ sống xung quanh mà bản thân người nuôi lợn cũng nhiều tâm tư. Hơn ai hết, họ là người bị ảnh hưởng đầu tiên từ kiểu chăn nuôi chắp vá, manh mún. Mặc dù vậy, vì kế sinh nhai họ phải chấp nhận "sống chung với lũ". Ông N.V.M. ở xã Ứng Hòe (Ninh Giang) đã gắn bó với nghề nuôi lợn được vài chục năm. Tận dụng diện tích vườn cạnh nhà, ông xây chuồng trại nuôi lợn để tiện bề chăm nom. Lúc cao điểm ông nuôi tới hàng trăm con lợn, còn giờ chỉ túc tắc vài chục con song cũng đủ để hàng xóm phàn nàn dù gia đình đã đầu tư hầm biogas và thường xuyên vệ sinh chuồng trại. Ông M. thừa nhận dù có cẩn thận, chỉn chu đến đâu thì chăn nuôi trong khu dân cư cũng không tránh khỏi ảnh hưởng. Ngay cả nhà ông cũng phải đóng kín cửa, bịt lỗ thoáng cạnh khu vực nuôi lợn vì không chịu được mùi hôi thối.
“Vẫn biết là ảnh hưởng song đây là nguồn thu duy nhất của cả gia đình. Hàng xóm bên cạnh, người hiểu cho thì góp ý nhẹ nhàng, người nóng nảy thì lời ra tiếng vào, thậm chí tình cảm xóm làng còn sứt mẻ vì vài con lợn. Dẫu vậy tôi vẫn mong mọi người cảm thông bởi không còn cách nào khác”, ông M. chia sẻ.
2 năm qua, chính quyền xã Cao Thắng (Thanh Miện) phải rất vất vả mới vận động được gia đình ông An Văn Luận ở thôn Cao Lý di dời chuồng trại nuôi lợn ra khỏi khu dân cư. Nguyên nhân do gia đình ông Luận nuôi lợn với số lượng lớn trong khi hệ thống xử lý nước thải không bảo đảm dẫn đến tình trạng quá tải. Phân lợn và nước thải tràn ra kênh, mương bốc mùi hôi thối khiến nhiều người bức xúc. Đặc biệt, khu chăn nuôi này còn nằm sát Trạm Y tế xã nên đơn phản ánh của người dân gửi lên xã ngày một nhiều. Ông Trần Mạnh Nhường, Chủ tịch UBND xã Cao Thắng cho biết: "Những năm trước giá lợn tăng cao nên gia đình anh Luận chần chừ mãi không di chuyển. Mặc dù đã chủ động khắc phục tình trạng nước thải tràn ra kênh, mương nhưng khu trang trại này nằm quá sát Trạm Y tế xã nên chúng tôi bắt buộc vận động di dời".
Nhiều hộ dân tận dụng diện tích vườn rộng để xây chuồng trại nuôi lợn
Đâu là giải pháp?
Những năm 2017-2018, chăn nuôi lợn ở Hải Dương chạm đỉnh với tổng đàn ở mức 800.000 con, vượt xa so với những tính toán trong quy hoạch. Một thời gian dài, nuôi lợn cho thu nhập khá, ổn định. Nhà nhà, người người đua nhau nuôi lợn, dẫn đến 65% tổng đàn là chăn nuôi nhỏ lẻ. Nhiều hộ nuôi kiểu tận dụng nên không quan tâm đầu tư cho xử lý chất thải phát sinh khiến vấn đề bảo vệ môi trường trong chăn nuôi lợn trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết. Cuối năm 2018, khi cơn bão dịch tả lợn châu Phi ập đến, những hộ nuôi nhỏ lẻ phải hứng chịu đầu tiên, thiệt hại đến tận bây giờ vẫn chưa thể phục hồi. Nhiều người có suy nghĩ rằng ở góc độ nào đó bão dịch là cú đánh trực diện vào lối tư duy sản xuất manh mún để người dân nhận ra những bất cập trong chăn nuôi nhỏ lẻ mà thay đổi hướng đi.
Tuy vậy, khi hạ tầng tập trung chưa có, nguồn vốn không nhiều lại khó tiếp cận và ít hiểu biết về thị trường thì người dân vẫn lựa chọn nuôi lợn quy mô nhỏ để "vừa làm vừa nghe". Thực tế sản xuất hiện nay đã chứng minh điều này. Dù hiện tại nuôi lợn nông hộ chiếm khoảng 45% tổng đàn nhưng khi sản xuất ổn định trở lại thì khó có thể nói trước vì thực trạng nuôi lợn được ví như biểu đồ hình sin, khi lên tới đỉnh lúc lại chạm đáy. Dịch tả lợn châu Phi làm giảm số lượng song chưa thể làm thay đổi nhận thức của người nuôi lợn, thậm chí còn dẫn tới kiểu chăn nuôi cực đoan. Trước đây đã manh mún thì giờ lại xé lẻ hơn để cầm chừng rồi do dịch, giá lại xuống thấp nên không thiết tha tới việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Chính vì thế, những bức xúc về chăn nuôi lợn không bảo đảm cũng không vì dịch bùng phát mà thuyên giảm.
Ngành chăn nuôi lợn của tỉnh đang ở những nốt trầm. Nhiều chuồng trại bỏ hoang sau cú sốc dịch bệnh. Đây là lúc cả người chăn nuôi, chính quyền và cơ quan quản lý cần có những nhìn nhận thấu đáo, định hướng sản xuất phù hợp, gỡ dần những nút thắt để phát triển lĩnh vực đầy tiềm năng này. Những bức xúc về ô nhiễm trong nuôi lợn phần lớn xuất phát từ chăn nuôi nhỏ lẻ song việc giảm nuôi theo hình thức này rất khó. Luật Chăn nuôi cũng không cấm chăn nuôi nhỏ lẻ mà chỉ nghiêm cấm hành vi chăn nuôi này ở một vài khu vực cụ thể. Chính vì còn đất “sống” nên việc bảo đảm môi trường cũng như an toàn dịch bệnh sẽ là bài toán khó.
Ông Vũ Văn Hoạt, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khẳng định không cấm không có nghĩa là buông lỏng mà phải có giải pháp phát triển hài hòa, an sinh xã hội gắn liền với trách nhiệm cộng đồng. Dù không cấm nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ dần bị loại bỏ và đào thải để phù hợp với sự phát triển chung. Luật Chăn nuôi yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải kê khai hoạt động chăn nuôi với chính quyền địa phương để tạo thuận lợi trong quản lý.
Dù đã quy định tương đối rõ ràng nhưng đó là trong lý thuyết, còn trên thực tế triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn. "Từ năm 2020 đến nay, huyện Thanh Miện đã tổ chức nhiều hội nghị để triển khai thực hiện nội dung của Luật Chăn nuôi đến các xã, thị trấn. Trong đó, yêu cầu các địa phương bố trí quỹ đất để vận động các hộ chăn nuôi ra khỏi khu dân cư. Tuy nhiên đến nay, mới chỉ có duy nhất xã Ngô Quyền quy hoạch được vùng chăn nuôi tập trung với diện tích khoảng 50 ha", bà Phạm Thị Nhung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Miện cho biết.
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi lợn nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung, các cấp, ngành cần có những định hướng dài hơi. Trong đó, cần tập trung phát triển các vùng chăn nuôi lớn, an toàn dịch bệnh, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong xử lý chất thải. Đối với khâu sản xuất chế biến, tiêu thụ và phát triển thị trường cần được thực hiện theo chuỗi khép kín, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo. Đặc biệt, các địa phương nên rà soát lại và có chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ tăng quy mô, tham gia các chuỗi, HTX hoặc chuyển sang ngành nghề phù hợp.