Nghiên cứu này có thể hỗ trợ cho các chiến lược tiêm vaccine chống lại biến thể Delta, vốn giảm tính hiệu quả của mũi vaccine đầu tiên. Nghiên cứu có sự tham gia của 503 nhân viên y tế.
Các nhà khoa học cho biết đối với việc tiêm mũi 2 mũi ở khoảng cách lâu hơn, mức độ kháng thể trung hòa chống lại biến thể Delta được tạo ra ở mức thấp sau mũi đầu tiên và không được duy trì trong khoảng thời gian cho đến mũi thứ hai. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành 2 mũi tiêm, các nhà nghiên cứu nhận thấy ở những người trì hoãn 2 mũi vaccine lâu hơn, mức độ kháng thể trung hòa trong cơ thể cao hơn so với những người thực hiện 2 mũi gần nhau hơn.
Kháng thể trung hòa được xem là có vai trò quan trọng trong việc chống lại virus SARS-CoV-2, và các nhà khoa học cũng phát hiện vai trò của các tế bào T trong việc ngăn chặn virus chết người này.
Những phát hiện trên ủng hộ quan điểm rằng mặc dù mũi thứ hai là cần thiết để bảo vệ con người trước biến thể Delta, song việc trì hoãn mũi tiêm này có thể cung cấp khả năng miễn dịch lâu bền hơn.
Hồi tháng 12/2020, Anh đã áp dụng việc trì hoãn hai mũi tiêm vaccine lên tới 12 tuần, mặc dù hãng Pfizer cho rằng không có bằng chứng ủng hộ việc kéo dài khoảng cách 2 mũi tiêm hơn 3 tuần theo khuyến nghị. Hiện tại, giới chức y tế Anh khuyến cáo khoảng cách 2 mũi tiêm vaccine là 8 tuần để giúp nhiều người được tiêm chủng và bảo vệ trước biến thể Delta.
Bà Susanna Dunachie, người đứng đầu nhóm giám sát công trình nghiên cứu trên, nhận định khoảng cách 8 tuần giữa hai mũi tiêm là thời gian "tuyệt vời".
Cùng ngày, Bộ Y tế Israel cho biết dựa trên dữ liệu ghi nhận từ ngày 20/6 - 17/7 vừa qua, tỷ lệ hiệu quả của vaccine Pfizer ngừa COVID-19 đã giảm xuống còn 39%. Bộ Y tế Israel lý giải nguyên nhân của sự sụt giảm này là do tình trạng phổ biến của biến thể Delta ở Israel trong giai đoạn này.
Dữ liệu hiệu quả vaccine mới nhất lần này so với hai dữ liệu trước đó do Israel công bố đã giảm đáng kể. Cụ thể trong giai đoạn từ ngày 6/6 - 3/7 là 64% và trước đó là 94,3% trong thời gian từ ngày 2/5 - 5/6. Tuy nhiên, trong dữ liệu công bố lần này, tỷ lệ hiệu quả ngăn ngừa bệnh nặng của vaccine Pfizer ước tính là 91% và giảm các ca phải nhập viện do COVID-19 là 88%.