Trong công cuộc đấu tranh kiên cường, lâu dài giành độc lập dân tộc đưa tới việc thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (năm 1945) và trong các cuộc kháng chiến trường kỳ, cực kỳ gian khổ nhưng vô cùng anh dũng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1946-1975), toàn thể nhân dân Việt Nam đã “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” (Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Ngày nay, muốn cho đất nước trở nên phồn vinh, nhân dân có cuộc sống hạnh phúc thì càng đòi hỏi mọi người phải phát huy mạnh mẽ tinh thần cống hiến, đưa ra nhiều sáng kiến làm giàu cho đất nước và nâng cao khả năng đổi mới sáng tạo hiệu quả hơn nữa trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Khơi dậy lẽ sống cống hiến cao đẹp của người Việt

Lẽ sống cao đẹp của thanh niên Việt Nam thể hiện trong ca khúc "Khát vọng tuổi trẻ" của nhạc sĩ Vũ Hoàng. Ảnh: Tuấn Huy.

Mọi người dân Việt Nam, dù đang sống, làm việc và học tập ở trong nước hay nước ngoài, đều hết sức vui mừng, phấn khởi, thật sự tự hào vì “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” như Đại hội XIII của Đảng đánh giá.

Để đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2025 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải phát huy cao độ hơn nữa tinh thần cống hiến vì đất nước. 

Lịch sử oai hùng của dân tộc suốt mấy nghìn năm qua kể từ khi ông cha ta khởi công dựng nước đã và đang không ngừng được các thế hệ con cháu nối tiếp nhau bồi đắp. Quá trình phát triển của đất nước ngày càng diễn ra nhanh hơn nhờ tinh thần yêu nước nồng nàn, sự hy sinh, cống hiến quên mình, ý chí tự lực, tự cường ngày một cao hơn, đặc biệt là nhờ khát vọng phát triển cháy bỏng của toàn thể dân tộc, nhất là của thế hệ trẻ giàu nhiệt huyết, tài năng hôm nay. Đó cũng chính là những giá trị tiêu biểu tạo nên sức mạnh nội sinh của dân tộc ta trong thời hiện đại.

Hiện nay, bên cạnh khó khăn, thách thức do các nguyên nhân khách quan và chủ quan, đất nước cũng có nhiều cơ hội và thuận lợi to lớn do thành tựu công cuộc đổi mới và thời đại tạo ra, chúng ta cần nắm bắt kịp thời để thúc đẩy sự phát triển. Muốn vượt qua những khó khăn, thách thức ấy, điều chúng ta cần trước hết là khơi dậy tinh thần và ý chí, quyết tâm, khát vọng phát triển để cho đất nước ngày càng phồn vinh, để cho nhân dân ngày càng trở nên hạnh phúc.

Khát vọng phát triển đất nước nhanh và bền vững phải trở thành động lực, thành sức mạnh thực tế thúc đẩy mọi người hành động theo cùng một hướng. Khát vọng ấy chắc chắn luôn hiện hữu và cũng là biểu hiện của quy luật khách quan trong tiến trình phát triển của dân tộc ta, của đất nước ta từ trước đến nay. Một dân tộc mà không có đủ ý chí và thiếu khát vọng vươn lên thì sẽ mãi mãi tụt hậu và sẽ ngày càng lạc hậu vì thế giới đang tiến bước vào kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Chính vì lẽ đó, sống trong thế giới cạnh tranh vô cùng khốc liệt ngày nay, mọi người dân Việt Nam cần phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết để thực hiện cho bằng được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc”. Lòng ái quốc ấy, tinh thần yêu nước ấy của toàn thể dân tộc ta đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử, giành lại độc lập sau gần một thế kỷ bị đô hộ, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa; tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm đánh đuổi thực dân Pháp; 20 năm hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thu giang sơn về một mối, thực hiện thống nhất Tổ quốc sau nhiều năm bị chia cắt.

Nếu như trước đây, toàn dân tộc ta đã đem tinh thần yêu nước ấy với quyết tâm rất cao, đã đánh đuổi và đã toàn thắng tất cả đội quân xâm lược thì ngày nay, nhiệm vụ đặt ra đối với chúng ta là sử dụng triệt để tinh thần ấy để cống hiến cho công cuộc “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước.

Muốn vậy thì mỗi người dân, dù già hay trẻ, làm công việc gì và bất kể ở địa vị nào trong xã hội, đều phải làm tròn nghĩa vụ, bổn phận, trách nhiệm công dân của mình. Điều đó cũng có nghĩa là mọi người phải ra sức phát huy tinh thần cống hiến hết mình vì lợi ích quốc gia, vì sự phát triển của đất nước thân yêu, vì hạnh phúc của nhân dân hôm nay và của muôn đời con cháu mai sau.

Để phát huy cao độ tinh thần cống hiến của toàn thể dân tộc, Đảng và Nhà nước cần có những việc làm thiết thực, vừa góp phần phát huy năng lực sẵn có của mỗi người, vừa tạo điều kiện để mọi người dân yêu nước thể hiện được bản lĩnh chống tiêu cực, chống tham nhũng, chống sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên nhằm lấy lại niềm tin, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân.

Trong điều kiện toàn cầu hóa và tình hình chính trị thế giới diễn biến rất phức tạp, khó lường như hiện nay thì lợi ích dân tộc là một động lực to lớn, việc thực hành dân chủ rộng rãi trong xã hội, việc xây dựng nhà nước pháp quyền vững mạnh là chỗ dựa vững chắc để củng cố niềm tin của nhân dân.

Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, có thực hành dân chủ rộng rãi dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và sự quản lý, điều hành hiệu quả của Nhà nước, có sự đoàn kết của toàn dân tộc, nhất định chúng ta sẽ phát huy được tinh thần cống hiến của toàn dân, sẽ khơi dậy được khát vọng phát triển mạnh mẽ để đưa nước ta trở thành nước phát triển vào giữa thế kỷ 21.