Một phần đường ống Nord Stream 1 tại Lubmin, Đức. (Nguồn: Reuters) |
Trước khi xung đột tại Ukraine nổ ra, Nga đáp ứng khoảng 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, chủ yếu thông qua các đường ống với lưu lượng năm ngoái là khoảng 155 tỷ m3. Nord Stream 1 là tuyến đường ống chính vận chuyển khí đốt vào Tây Âu. Lưu lượng khí đốt của Nga qua đường ống Nord Stream 1 sang Đức đã bị giảm tới 40% công suất.
Hiện Nga đã cắt hoàn toàn cung cấp khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan vì các nước này từ chối thanh toán tiền mua khí đốt Nga bằng đồng Ruble.
Ukraine cũng dừng một tuyến đường vận chuyển khí đốt đến châu Âu vào tháng Năm do cuộc xung đột. Hệ thống đường ống trung chuyển qua lãnh thổ Ukraine chủ yếu đưa khí đốt đến Italy, Áo, Slovakia và một số nước Đông Âu khác.
Các tuyến đường vận chuyển khí đốt khác đến châu Âu không đi qua Ukraine bao gồm đường ống Yamal-châu Âu, đi qua Belarus và Ba Lan đến Đức.
Đường ống trên có công suất 33 tỷ m3, chiếm khoảng một phần sáu lượng khí đốt xuất khẩu của Nga sang châu Âu. Nga đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với chủ sở hữu phần đường ống Yamal - châu Âu ở Ba Lan. Tuy nhiên, Bộ trưởng Khí hậu Ba Lan cho biết, nước này có thể xoay sở mà không cần dòng khí qua đường ống Yamal.
Đức, Áo, Italy, Slovakia và Cộng hòa Czech nhận được khối lượng khí đốt thấp hơn thông qua Nord Stream 1. Chính phủ Nga cho biết, nguồn cung bị cắt giảm qua đường ống này là do các biện pháp trừng phạt của phương Tây gây chậm trễ trong việc trả lại Nga thiết bị được gửi đi bảo trì ở Canada.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 16/9 phủ nhận vai trò của Nga trong việc gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng mà Liên minh châu Âu (EU) đang phải chật vật đối phó. Ông nói rằng, nếu muốn Nga tiếp tục bơm thêm khí đốt, châu Âu cần phải dỡ các biện pháp trừng phạt cản trở việc đưa đường ống Nord Stream 2 vào hoạt động.
Các lựa chọn thay thế
Đức - nước tiêu thụ khí đốt nhập từ Nga lớn nhất châu Âu đã quyết định đình chỉ vô thời hạn quy trình phê chuẩn đường ống Nord Stream 2 vì lý do xung đột ở Ukraine. Đây là đường ống mới, chạy song song với Nord Stream 1, dẫn khí đốt thẳng từ Nga sang Đức. Do cả hai đường ống không hoạt động, Đức nhập khẩu khí đốt từ Anh, Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy.
Na Uy - nhà xuất khẩu khí đốt lớn thứ hai của châu Âu sau Nga đang đẩy mạnh sản xuất để giúp EU hướng tới chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu Nga vào năm 2027.
Công ty Centrica của Anh đã ký một thỏa thuận với công ty Equinor của Na Uy để cung cấp thêm khí đốt cho nước này trong mùa Đông tới do Anh không phụ thuộc vào khí đốt của Nga và cũng có thể xuất khẩu sang châu Âu qua đường ống.
Ba Lan - quốc gia nhập khoảng 50% lượng khí đốt tiêu thụ trong nước từ Nga (khoảng 10 tỷ m3) cho biết có thể cung cấp khí đốt thông qua đường ống với Đức.
Dự kiến, tháng Mười tới, một đường ống với công suất 10 tỷ m3 khí mỗi năm giữa Ba Lan và Na Uy sẽ được khai trương.
Các nước vùng Nam Âu có thể nhận khí đốt qua đường ống Adriatic đến Italy và Đường ống dẫn khí tự nhiên Anatolian (TANAP) đi qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, Mỹ cho biết, có thể cung cấp 15 tỷ m3 khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho EU trong năm nay.
Những giải pháp khẩn cấp
Một số quốc gia đang tìm cách lấp đầy khoảng trống nguồn cung năng lượng từ Nga bằng cách chuyển sang nhập khẩu điện từ những nước láng giềng, hoặc thúc đẩy sản xuất điện hạt nhân, năng lượng tái tạo, thủy điện hoặc than đá.
Trước đó, châu Âu đã cố gắng loại bỏ than để đáp ứng các mục tiêu khí hậu nhưng một số nhà máy than đã phải hoạt động trở lại từ giữa năm 2021 do giá khí đốt tăng cao. Tại Hà Lan, mỏ than Groningen lại được khai thác để giúp các nước láng giềng nếu nguồn cung từ Nga bị cắt hoàn toàn.
Tại Pháp, các doanh nghiệp có nhu cầu năng lượng cao đang đẩy nhanh các kế hoạch dự phòng và chuyển đổi các lò hơi khí đốt sang chạy bằng dầu và nhiều công ty đang chuẩn bị cho khả năng xảy ra mất điện.
“Chúng tôi đã chuyển sang các lò hơi vừa chạy bằng khí đốt vừa bằng dầu, thậm chí chuyển sang dùng than nếu cần”, ông Florent Menegaux, lãnh đạo của nhà sản xuất lốp xe Michelin nói.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho hay, việc không chuẩn bị cho sự thiếu hụt là thiếu trách nhiệm. “Hiện nay, đó là kịch bản có khả năng cao sẽ xảy ra”, ông nói.
Khoảng 70% lượng điện của Pháp là từ năng lượng hạt nhân, nghĩa là nước này ít phụ thuộc trực tiếp vào khí đốt của Nga so với láng giềng Đức.
Chính phủ Đức kêu gọi người tiêu dùng tiết kiệm năng lượng.Hiệp hội các thành phố của Đức đề xuất cung cấp cho những người dễ bị tổn thương nhất nơi sưởi ấm công cộng và một số thành phố đã có động thái xúc tiến kế hoạch này.
Thành phố Ludwigshafenm, miền Tây nước Đức có kế hoạch biến sân vận động Friedrich-Ebert-Halle - từng là trung tâm tiêm chủng trong đại dịch Covid-19 nay đảm nhận thêm vai trò cứu người dân khỏi mùa Đông giá lạnh.
Các thành phố Neustadt, Frankenthal và Landau phía Tây nước Đức cũng đã lên kế hoạch tạo ra những “đảo nhiệt” trong mùa Đông, hoặc tắt đèn chiếu sáng bên ngoài các tòa nhà công cộng và đèn giao thông vào ban đêm. Thành phố Dusseldorf thì có kế hoạch giảm nhiệt độ sưởi ấm cho mùa Thu và mùa Đông để tiết kiệm năng lượng.